Khi thấy các biểu hiện bất thường, đặc biệt là các sản phụ cần đi khám sớm. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Đi khám sớm khi có biểu hiện bệnh
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong những ca tử vong do mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay có cả phụ nữ mang thai và trẻ em. Các bác sĩ cảnh báo, thai phụ mắc sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cả bà mẹ lẫn thai nhi.
Đang mang thai ở tuần thứ 38, sản phụ Lê Kiều Anh bị sốt, cơ thể mệt mỏi, rất may gia đình đã đưa chị đi khám sớm và được điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Khi xuất hiện cơn co, chị được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai và các bác sĩ nói rằng trường hợp này rất nguy hiểm, bởi nếu sinh em bé, mẹ có nguy cơ tử vong.
Điều đáng nói, nhiều sản phụ bị mắc cúm A, sốt xuất huyết nhưng chủ quan không đi khám sớm do lầm tưởng các biểu hiện cơ thể mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn, đau mỏi cơ hay ho nhiều là dấu hiệu của “nghén”, “ho mọc tóc”.
Chị Nguyễn Thu Phượng (27 tuổi, Hưng Yên) cho biết: “Mình bị sốt nóng, nhiệt độ cao nhất 38oC, ho khan, đau rát họng, chảy nước mũi nhưng lại nghĩ đó là “ho mọc tóc” nên không đi khám sớm. Đến khi cơ quan có đồng nghiệp bị cúm A thì mình mới đến bệnh viện làm xét nghiệm”.
Tuy nhiên khi nhận kết quả xét nghiệm, chị Phượng càng thêm lo lắng khi biết mình mắc cả cúm A cả sốt xuất huyết. Rất may, nhờ được điều trị kịp thời nên chị đã tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Tăng sức đề kháng cho mẹ bầu trong mùa dịch
ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hương (Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC) chia sẻ: “Do khi mang thai hệ miễn dịch yếu hơn nên các mẹ bầu rất dễ bị vi rút tấn công. Bệnh cúm A, Covid-19 hay sốt xuất huyết rất nguy hiểm, làm tăng nguy cơ biến chứng ở cả mẹ và thai nhi như gây dị tật thai nhi, sảy thai, chết lưu, sinh non hoặc nguy cơ tiền sản giật”.
Theo bác sĩ Thu Hương, để hành trình mang thai an toàn, bảo đảm sức khỏe cho mẹ và thai nhi, mẹ bầu cần được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.
Nếu sốt trên 38oC, mẹ bầu cần hạ sốt bằng cách chườm ấm, dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, bổ sung nước và tăng cường các loại nước trái cây, mặc quần áo rộng/ mỏng. Các thai phụ thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn thức ăn dễ tiêu và tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn; tránh căng thẳng, lo âu gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Ngoài ra, người mang thai cần mang khẩu trang, vệ sinh bàn tay, tuân thủ các biện pháp phòng dịch; trong đó, tiêm phòng cúm hằng năm là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Nếu có dấu hiệu bất thường như ho, sốt, chảy máu, đau bụng, mệt mỏi..., cần đưa mẹ bầu đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Để tránh bệnh sốt xuất huyết thì cần chú ý mắc màn khi ngủ, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ nhằm không cho muỗi vằn phát triển...
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương khuyến cáo, trong giai đoạn hiện nay, cần thận trọng trước sự bùng phát và diễn biến khó lường của các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng như cúm A/B, sốt xuất huyết, Covid-19 hay bệnh đậu mùa khỉ với những triệu chứng dễ khiến người bệnh nhầm lẫn và chủ quan.
Do vậy, khi thấy các biểu hiện bất thường, đặc biệt là khi sống trong vùng có người bị mắc bệnh, chúng ta cần đeo khẩu trang, tuân thủ biện pháp phòng bệnh và đi khám sớm, nhất là những đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng như người già, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ.
Ngoài ra, các thai phụ không được dùng bất kỳ loại thuốc nào mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Thai phụ cũng không nên từ chối dùng thuốc mà bác sĩ đã kê đơn.
Gửi phản hồi
In bài viết