Thượng úy Trường xúc động: “20 năm trong quân ngũ, đây là lần đầu tiên tôi được nhận Bằng khen của Bộ Quốc phòng. Đó là niềm tự hào và cũng là động lực để người lính như tôi nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó, sẵn sàng khi Tổ quốc cần”.
Những ngày này, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn khám, chữa bệnh điều trị cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, anh Trường đang là thành viên của tổ Covid-19, Bộ CHQS tỉnh. Anh có nhiệm vụ đến các đơn vị của Bộ CHQS tỉnh, lấy mẫu test nhanh, xác định và phân loại F0 để phân định và điều trị.
Tháng 8-2021, anh đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh, nhận nhiệm vụ tại Trạm Y tế lưu động, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Phường có đến trên 40% dân số (khoảng 20.000 người) là F0. Đây là điểm nóng dịch Covid-19 của thành phố. Với nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, anh và 11 thành viên khác quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc cho F0 tại nhà, sơ cứu F0 trở bệnh nặng và chuyển tuyến trên. Bất kể ngày hay đêm, mưa nắng, cứ có cuộc gọi của người dân muốn hỗ trợ là anh Trường và đồng đội lên đường.
Trong tâm dịch, tình quân dân gắn bó hơn bao giờ hết. Trong chiếc điện thoại của mình, anh Trường lưu giữ lại không biết bao nhiêu tin nhắn cảm ơn chú bộ đội Cụ Hồ của bệnh nhân mà anh theo dõi, hỗ trợ, điều trị khỏi bệnh. 3 tháng công tác tại Trạm Y tế lưu động, phường Bình Hưng Hòa B, cá nhân anh Trường đã điều trị, chăm sóc tại nhà cho 250 F0; có 18 F0 cấp cứu, 26 F0 được anh chuyển viện điều trị. Anh đã trực tiếp cấp thuốc 235 F0, lấy mẫu xét nghiệm cho 205 người. Bên cạnh đó, anh Trường chăm sóc, tư vấn cho F0 qua điện thoại, qua Zalo trên 600 lượt người; chăm sóc, tư vấn trực tiếp cho 235 F0; chăm sóc, cấp cứu bệnh khác cho 20 người.
Dù ngày đêm rất bận với công việc chuyên môn, anh Trường và đồng đội của mình còn tìm, liên lạc với hàng trăm các bệnh viện, cơ sở y tế, nắm thông tin giúp người dân khi gia đình họ bị ly tán giữa tâm dịch. Anh Trường tâm sự, cuộc sống ở quê hương đang bình yên. Khi bước vào cuộc chiến với kẻ thù vô hình, anh thấm thía ranh giới giữa sự sống, cái chết đáng sợ thế nào. Dẫu những bữa cơm ăn vội, những giấc ngủ không tròn, dẫu có bao mệt mỏi, áp lực nhưng còn thở, còn sống là một đặc ân, hạnh phúc.
Niềm hạnh phúc của người lính mặc áo trắng như anh nhân lên gấp nhiều lần vì được cống hiến cho chính đồng bào, Tổ quốc của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết