Người dân xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) trồng nho hạ đen trong nhà giàn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng
* Sở NN và PTNT tỉnh Ðồng Nai cho biết, toàn tỉnh có 895 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Trong đó, các vùng trái cây đặc sản VietGAP, GlobalGAP như bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu); vùng sầu riêng VietGAP (huyện Long Thành)... đang dần trở thành những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với du khách, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
* Theo kế hoạch đề ra, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Tây Ninh hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên lúa, rau màu, cây ăn quả, bò, heo, dê, gà. Trong đó, vùng sản xuất lúa hữu cơ có diện tích khoảng 35 đến 50 ha; rau màu hữu cơ có diện tích khoảng 15 đến 28 ha; cây ăn trái hữu cơ có diện tích khoảng 40 đến 63 ha; cây dược liệu hữu cơ có diện tích khoảng 2 đến 5ha…
* Ninh Thuận là tỉnh có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ nhiều nhất khu vực Nam Trung Bộ với gần 500 ha cây ăn trái, trong đó riêng diện tích trồng nho theo hướng hữu cơ 285 ha…, đạt hiệu quả kinh tế cao, thu nhập người dân được nâng lên.
* UBND tỉnh Nam Ðịnh đã ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND về Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, từ năm 2021 đến 2025, các ngành chức năng xác định vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực của tỉnh gồm: Lúa chất lượng cao, rau các loại, khoai tây, ngô, lạc, cây ăn quả các loại, cây dược liệu, nuôi dưỡng, trồng trọt trong sân và sản xuất muối. Lựa chọn xây dựng từ 15 đến 20 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ làm cơ sở xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ có giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác tăng 1,3 đến 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ…
* Ðến nay, tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 1.600 ha vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn; trong đó gần 1.000 ha rau an toàn được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hơn 690 ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng rau an toàn và rau được cấp giấy chứng nhận VietGAP chiếm khoảng 25% tổng sản lượng rau sản xuất toàn tỉnh, tương đương khoảng 40.000 đến 45.000 tấn/năm.
* Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn cho biết, sau một thời gian tạm lắng, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lại có chiều hướng lan rộng tại tỉnh. Ðến nay, dịch đã xảy ra trên 416 con trâu, bò của người dân ở 88 thôn, bản, thuộc 36 xã ở sáu huyện. Các địa phương có nhiều trâu, bò mắc bệnh là Chợ Ðồn, Ngân Sơn, Chợ Mới, Ba Bể…Tỉnh đang tập trung chỉ đạo khoanh vùng, dập dịch và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng bệnh.
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp nóng phía tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên ngày 11-5, ở khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên xảy ra nắng nóng trên diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 38oC, có nơi trên 39oC; ở miền Ðông Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 37oC, có nơi trên 37oC. Ðợt nắng nóng ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 16-5, ở Nam Bộ đến ngày 12-5. Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt kết hợp với gió tây nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Dự báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1.
* Các huyện phía nam tỉnh Quảng Bình có hơn 13 nghìn ha rừng phòng hộ trên cát. Ðặc thù của rừng là cây phi-lao thấp, phân cành sớm, thực bì có cành khô lá rụng tạo thành lớp vật liệu cháy rất dày, dễ cháy. Năm 2020, khu vực này xảy ra sáu vụ cháy rừng với diện tích gần 20 ha. Bước vào mùa khô năm nay, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình phối hợp với hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh củng cố các tổ, chốt bảo vệ rừng, nhất là khu vực có nguy cơ cháy cao phải cử lực lượng trực tại chòi canh lửa liên tục 24 giờ trong ngày. Chi cục tăng thêm phương tiện cho các tổ, đội để xử lý nhanh khi có điểm phát lửa.
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, xu thế xâm nhập mặn từ ngày 11 đến 20-5 ở các sông trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm dần. Cụ thể: Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: sông Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 70 đến 85 km. Sông Cửa Tiểu, Cửa Ðại có phạm vi xâm nhập mặn từ 35 đến 42 km. Sông Hàm Luông có phạm vi xâm nhập mặn từ 40 đến 45km. Sông Cổ Chiên có phạm vi xâm nhập mặn từ 35 đến 42 km. Trên sông Hậu, phạm vi xâm nhập mặn từ 35 đến 40 km. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long: Cấp 1.
Khoảng 16 giờ ngày 9-5, trên quốc lộ 28B, thôn 3 (xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Ðồng), lốc xoáy bất ngờ quật đổ một cây rừng cổ thụ, đè trúng hai phụ nữ đèo nhau trên xe máy, khiến một người chết tại chỗ, người đi cùng bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu. Cơ quan chức năng có mặt, xử lý vụ việc.
Gửi phản hồi
In bài viết