Các sản phẩm chế biến từ cá lăng của Công ty TNHH Một thành viên Duy Phát tham gia hội chợ sản phẩm Ocop tại Hà Nội.
Sau thời gian nghiên cứu, năm 2020, Công ty TNHH Một thành viên sản xuất thương mại Duy Phát, thôn 12, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) đã trình làng sản phẩm chả cá lăng, xúc xích cá lăng và cá lăng nướng.
Anh Trịnh Xuân Thanh, Giám đốc hồ hởi cho biết, thay vì chỉ bán sản phẩm cá lăng tươi sống, công ty đã đầu tư máy móc chế biến ra nhiều sản phẩm từ cá. Sản phẩm chả cá, xúc xích cá với nguyên liệu chính là thịt cá lăng tươi, mỡ lợn khổ và các loại gia vị hoàn toàn tự nhiên tất cả được kiểm soát và chế biến theo đúng quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 2 năm bước ra thị trường, các sản phẩm chế biến từ cá lăng đã được người tiêu dùng đánh giá rất cao.
Nếu như trước đây cá lăng tươi sống chỉ bán được vào 1 số nhà hàng tại Phú Thọ, Hà Nội, thì nay với sản phẩm chế biến từ cá lăng như chả cá, xúc xích cá, cá nướng đã vươn xa đến thị trường Đà Nẵng. Theo anh Thanh, đầu tư chế biến sâu mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng, gia tăng giá trị của sản phẩm, kích thích sản xuất. Ước tính tổng sản lượng cá tiêu thụ hàng năm của công ty đã vượt qua con số 20 tấn/năm, gấp đôi so với thời kỳ bán cá lăng tươi sống.
Hợp tác xã Cam núi Hàm Yên, xã Phù Lưu (Hàm Yên) cũng đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra nhiều giá trị mới từ sản phẩm cam. Anh Phạm Vũ Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã phấn khởi cho biết, 2 năm nghiên cứu và kỳ công thực hiện, Hợp tác xã Cam núi Hàm Yên cho ra đời tất thảy 12 sản phẩm từ cam, thuộc các dòng: dược liệu chăm sóc sức khỏe, đồ ăn, đồ uống, hàng tiêu dùng như: hoa cam ngâm mật ong; tinh dầu cam; mứt cam; trà ướp hoa cam; nước rửa tay hương tinh dầu cam. Riêng rượu cam có 2 sản phẩm: vang cam và volka cam... Anh Tuyên khẳng định, người tiêu dùng giờ không những được thưởng thức cam tươi mà còn được trải nghiệm rất nhiều các sản phẩm từ cam như mứt cam, tinh dầu cam, trà hoa cam...
Tỉnh đã có 128 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận và gắn sao OCOP, thuộc 85 chủ thể, trong đó có 95 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao; 33 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, có những chủ thể có 2 - 3 dòng sản phẩm, thậm chí có chủ thể có 4 - 5 dòng sản phẩm. Điển hình như Hợp tác xã nông lâm nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) với 4 dòng sản phẩm từ chè: Chè đặc sản Ngọc Thúy cấp đông; chè mạn Ngọc Thúy, chè đặc sản Bát Tiên, chè sen. Hay sản phẩm mật ong của Hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ, xã An Khang (Tp Tuyên Quang) với rất nhiều dòng sản phẩm: mật ong hoa bạc hà, mật ong hoa rừng, mật ong nhãn, phấn hoa, sữa ong chúa...
Sản phẩm được chế biến từ cam sành của Hợp tác xã Cam núi Hàm Yên.
Trong Hội thảo bàn về giải pháp phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại thành phố Tuyên Quang giữa tháng 11 vừa qua, các chuyên gia đều khẳng định, sự sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm của các chủ thể trong đó có Tuyên Quang đang tạo ra diện mạo mới, hương vị, giá trị mới, đặc biệt là tăng sức cạnh tranh, giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội sản xuất kinh doanh và cơ hội chiếm lĩnh thị trường trong bối cảnh mới.
Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn khẳng định, ngành đang phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tỉnh dành nguồn vốn lớn để hỗ trợ các chủ thể phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP. Tính đến thời điểm này đã có trên 7,7 tỷ đồng được phân bổ về các hợp tác xã, tổ hợp tác. Đồng chí Lê Hải Nam hy vọng, chính sách hỗ trợ của tỉnh sẽ tạo cú huých để các chủ thể sáng tạo hơn nữa từ đó nâng cao chất lượng, mẫu mã tạo ra giá trị mới cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết