“Hải Phòng lòng vòng ẩm thực” được thể hiện rất hiện đại, trẻ trung, bắt đúng “trend” giới trẻ và được phát miễn phí tại nhà Ga Hải Phòng, Sân bay Cát Bi và Trụ sở Sở Du lịch... Bên cạnh những món ăn đã tạo nên thương hiệu riêng của Hải Phòng như bánh đa cua, bún cá cay, nem cua bể, bánh mì cay,... bản đồ ẩm thực đưa du khách đến với các món ngon khác như nộm bò khô, giá bể xào, lẩu cua đồng, trà cúc, sứa chấm bỗng... bằng sự giới thiệu chi tiết, tỉ mỉ về địa chỉ, khung giờ để du khách thỏa thích trải nghiệm, thưởng thức.
Sau đó, một lượng lớn du khách đã đổ về Hải Phòng để thưởng thức ẩm thực theo chỉ dẫn trên bản đồ. Trên mạng xã hội, chủ đề bản đồ món ngon “Hải Phòng lòng vòng ẩm thực” được bàn tán rôm rả ở các diễn đàn, hội nhóm với hàng triệu lượt quan tâm, bình luận. Các quán có tên trong bản đồ ẩm thực được rất đông bạn trẻ tìm đến thưởng thức, luôn trong tình trạng làm không kịp bán, cho thấy sức hút đặc biệt của ẩm thực đường phố Hải Phòng.
Tới đây, Sở Du lịch Hải Phòng chuẩn bị cho ra mắt phiên bản tiếp theo của bản đồ món ngon, mở rộng hơn về số lượng món, nhưng tiêu chí xét chọn địa chỉ đưa vào bản đồ được chắt lọc hơn để phù hợp với thị hiếu và xu hướng của du khách cả nước, hướng tới phục vụ du khách quốc tế.
Các chuyên gia ở Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đánh giá, bản đồ ẩm thực Hải Phòng là cách làm sáng tạo, phù hợp với thị trường và nhu cầu của khách du lịch, tạo sức hút du khách sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sản phẩm có sự kết hợp giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, giữa cộng đồng địa phương với doanh nghiệp, tạo hiệu ứng lan tỏa, sự tin tưởng cho du khách… Du lịch Việt Nam đang phục hồi sau dịch, cần nhiều hơn nữa cách làm sáng tạo trong quảng bá, xúc tiến như thế. Ðiều quan trọng là đưa ra được sản phẩm phù hợp nhu cầu du khách và tạo được sự độc đáo, riêng biệt.
Khảo sát của TAB cho thấy, nhu cầu khám phá ẩm thực xếp thứ ba trong thứ tự ưu tiên của khách du lịch nội địa (sau nghỉ dưỡng biển và khám phá thiên nhiên), xếp cao hơn khám phá văn hóa, vui chơi, giải trí, di sản, lễ hội… Một số địa phương, doanh nghiệp du lịch đã tổ chức, khai thác các tour du lịch ẩm thực (Foodtour) từ món ăn đường phố, món ăn dân dã, truyền thống đến trải nghiệm tại lớp dạy nấu ăn hay nhà hàng sang trọng, đẳng cấp.
Tổ chức Du lịch thế giới nhận định, ẩm thực là một trong những lợi thế riêng có của mỗi quốc gia, việc kết hợp ẩm thực và du lịch tạo cơ hội lớn cho phát triển và quảng bá du lịch. Ẩm thực là một phần không thể thiếu trong mỗi sản phẩm du lịch và góp phần tạo ra sức hút với du khách. Với du lịch Việt Nam, ẩm thực Việt vừa là một sản phẩm du lịch, vừa là một công cụ để xúc tiến, quảng bá du lịch. Rất nhiều du khách quốc tế coi ẩm thực Việt là một khám phá về văn hóa của Việt Nam. Vì thế, mỗi khi chúng ta tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch ở các hội chợ lớn trên thế giới, luôn có các món ẩm thực đặc trưng trong gian hàng Việt Nam. Và thực tế, nhiều món ăn của Việt Nam đã được quốc tế tôn vinh, trở thành một lợi thế thu hút du khách quốc tế.
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam cần chú trọng phát triển du lịch ẩm thực để có thể trở thành “bếp ăn của thế giới” trong tương lai. Nhưng để phát triển du lịch ẩm thực, phải có kế hoạch bài bản và cách làm sáng tạo, trong đó doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý cùng hiểu, cùng làm. Bản đồ ẩm thực Hải Phòng là một thí dụ về sáng tạo và hiệu quả.
Ngành du lịch cần xây dựng các video clip chuyên về ẩm thực để quảng bá ra nước ngoài; phối hợp với hệ thống nhà hàng Việt tại các nước để chọn ra các chủ đề ẩm thực Việt Nam; mời các đầu bếp nổi tiếng làm Ðại sứ du lịch để giới thiệu ẩm thực Việt đến bạn bè quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu về ẩm thực để quảng bá du lịch ẩm thực cũng như sử dụng hình ảnh ẩm thực để quảng bá chung cho du lịch Việt Nam.
Mới đây nhất (ngày 17/6), đã có tín hiệu vui khi Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam công bố Ðề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia” giai đoạn 2022-2024 với các sản phẩm cụ thể là: thu thập cơ sở dữ liệu 300 món tiêu biểu Việt Nam và xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương (năm 2022); thu thập dữ liệu 1.000 món ẩm thực, phát triển thành tổng tập dữ liệu ẩm thực Việt Nam (năm 2023); chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành Bản đồ ẩm thực Việt Nam và hướng đến xây dựng Bảo tàng ẩm thực Việt Nam (năm 2024).
Ðiều quan trọng nhất là Ðề án sẽ gắn thương hiệu quốc gia về văn hóa ẩm thực với thương hiệu điểm đến về du lịch, nhằm góp phần thu hút khách quốc tế, phát triển du lịch nước nhà.
Gửi phản hồi
In bài viết