Sáng tạo trong thực hiện xây dựng văn hóa, con người Hà Nội

Sau mười năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết số 33-NQ/TW ), Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Trong đó, nổi bật nhất là sự vận dụng sáng tạo các chủ trương vào thực tế để đạt hiệu quả cao nhất, xây dựng văn hoá, con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập trong thời đại mới.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong tuyên dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW.

Xây dựng văn hóa, con người Hà Nội là một chủ trương xuyên suốt được các cấp uỷ, chính quyền Hà Nội quan tâm triển khai qua nhiều nhiệm kỳ.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ra đời trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào sự phát triển chung của thế giới, đặt ra những thời cơ mới, thách thức mới.

Nhận thức sâu sắc được điều này, Thành ủy Hà Nội tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Trung ương để cụ thể hoá vào các chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể.

Nổi bật trong đó là Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025”; ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; xây dựng và triển khai “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố”…

Trong đó, triển khai Quy tắc ứng xử là nội dung được thành phố quan tâm, với yêu cầu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nếp sống người Hà Nội. Đến nay, thành phố đã phát hành hơn 30.000 sổ tay Quy tắc ứng xử; hàng nghìn tin, bài, chuyên trang, chuyên mục về việc thực hiện Quy tắc ứng xử được đăng tải…

Từ định hướng chung trong xây dựng nếp sống văn hóa, mỗi ngành, mỗi địa phương lại có những sáng tạo khác nhau trong triển khai.

Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Cuộc thi xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”; Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng” năm 2023...

Những hoạt động này không dừng ở những cuộc thi, chấm điểm đua tài mà thực sự tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cán bộ cơ sở và nhân dân, từ đó, góp phần tích cực trong việc xây dựng, lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh, bồi đắp và hoàn thiện nhân cách con người Thủ đô.

Cũng từ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngành giáo dục Thủ đô đầu tư để giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, “Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương” một cách có chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Tại các quận, huyện: Tây Hồ, Đông Anh, Long Biên, Đống Đa, Hai Bà Trưng…, học sinh các cấp được thực hiện các buổi ngoại khoá tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, tìm hiểu về các danh nhân, những người có công với Cách mạng ngay tại các xã, phường nơi mình sinh sống. Điều này có tác dụng vun đắp tình yêu quê hương, nhân cách các em từ khi còn nhỏ tuổi.

Trong 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Hà Nội đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Trong đó, dù là địa phương sở hữu số lượng di sản đồ sộ nhất, đặt ra nhiều thách thức trong bảo tồn, Hà Nội trở thành đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Hiện nay, Hà Nội có gần 6.000 di tích, trong đó có 1 di sản thế giới, 20 di tích quốc gia đặc biệt. Nhiều di tích được bảo tồn tốt đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn.

Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc. Công tác tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, văn hóa của Hà Nội trên lĩnh vực thông tin đối ngoại có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả cao.

Trong những năm qua, một hoạt động nổi bật trong hợp tác quốc tế là Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Thiết kế.

Việc trở thành Thành phố Sáng tạo vừa phù hợp với chủ trương coi văn hóa là nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển của Thủ đô, vừa tạo ra các cơ hội hợp tác quốc tế để khai thác các nguồn lực văn hóa, phát triển đô thị bền vững như mục tiêu của UNESCO trong xây dựng Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo. Việc triển khai Nghị quyết 09-NQ/TU và xây dựng Thành phố Sáng tạo đã và đang đánh thức nhiều nguồn lực văn hóa, con người của Thủ đô vào phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, thành phố luôn quan tâm chăm lo và phát huy được trách nhiệm, tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, cộng đồng xã hội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội. Tạo không gian và điều kiện cho các trào lưu văn hóa mới và tích cực xuất hiện và phát triển từ cộng đồng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng góp phần bồi đắp thêm tinh thần nhân văn, nhân ái, nghĩa tình, khoan dung, nâng cao ý thức sống có trách nhiệm với xã hội của người dân Hà Nội.

Phát biểu về việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định: “Nhận thức chủ trương của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã có các chương trình, kế hoạch về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội bên cạnh chương trình về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Khi có Nghị quyết 33-NQ/TW, Hà Nội đã triển khai nghiêm túc, vận dụng sáng tạo trên tinh thần nêu cao vai trò, trách nhiệm của Thủ đô.

Trong thời gian tới, Hà Nội nỗ lực phấn đấu để xây dựng và phát triển văn hóa Hà Nội thực sự tiêu biểu cho văn hóa cả nước. Các ban, ngành, đơn vị cần rà soát, bổ sung quan điểm, tư tưởng, định hướng về xây dựng và phát triển văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa theo hướng liên thông và tích hợp thành hệ thống; đẩy mạnh nghiên cứu và thử nghiệm các chính sách mới liên quan đến vấn đề văn hóa để phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh, nhất là đầu tư công, quản trị tư, nhượng quyền, liên kết…”.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục