Ảnh minh họa: TRẦN HẢI
Bảo đảm quyền lợi của người dân
Ngay từ khi bắt đầu sáp nhập, có địa phương đã gặp phải thực trạng nhiều ý kiến khác nhau về việc lấy tên mới như thế nào, tên gọi là gì? Người dân xã này thì muốn phải có tên cũ của xã mình trong tên mới; có nơi thì người dân cho rằng, xã mình là trung tâm thì khi sáp nhập cần lấy tên của xã mình là chính...
Tại nhiều nơi, địa phương thống nhất lấy tên của một trong các đơn vị hành chính để đặt tên cho đơn vị hành chính mới; có địa phương lấy tên gọi hoàn toàn mới; có nơi ghép tên đầu-cuối của các đơn vị thực hiện sắp xếp.
So với việc nhập các đơn vị hành chính thành một đơn vị và giữ nguyên tên gọi của một đơn vị hành chính cũ, thì việc ghép tên hoặc đổi tên đơn vị hành chính mới sẽ làm tăng nhiều lần khối lượng công việc và chi phí để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ, khảo sát thực tế... cho tổ chức, cá nhân, thậm chí còn ảnh hưởngquyền lợi người dân. Có cán bộ cơ sở băn khoăn: Việc thay đổi tên dẫn đến những chi phí liên quan giấy tờ cũng gây tốn kém và phiền phức không nhỏ.
Một người dân ở xã Thạch Thanh (cũ) nhập vào thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: Do xã sáp nhập vào thị trấn, cho nên phải áp dụng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất chứ không được áp dụng hình thức giao đất không qua đấu giá như khi còn là xã, trong khi hồ sơ xin giao đất của tôi đã được chính quyền thụ lý từ trước khi có nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính. Đến nay, vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể để chuyển tiếp trong xử lý hồ sơ, thủ tục cho tôi.
Quá trình sáp nhập đơn vị hành chính, bên cạnh hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, còn phải cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý-tự nhiên, cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, khi xây dựng phương án sắp xếp, rất ít địa phương chọn được phương án để các đơn vị hành chính hình thành mới bảo đảm đủ tất cả các yếu tố. Vì vậy, giai đoạn 2023-2030, yêu cầu phải tiếp tục sáp nhập các đơn vị hành chính đã sắp xếp để bảo đảm các tiêu chuẩn thì sẽ rất khó khăn, phức tạp.
Sự khác biệt về phong tục, tập quán của người dân thuộc các thôn, xóm khác nhau nếu không dung hòa cũng là khó khăn lớn khi sáp nhập. Ở nhiều vùng, miền, tư tưởng "dòng họ" ăn sâu vào tiềm thức của người dân cho nên rất khó hòa nhập, khó chấp nhận việc sáp nhập vào làng, xã mới. Việc bổ sung, điều chỉnh hương ước, quy ước của các làng, xã sau sáp nhập, nhất là vùng đồng bào có đạo với các địa bàn có văn hóa, lịch sử riêng cũng là điều khó khăn.
Bên cạnh đó, với phạm vi, quy mô dân số lớn hơn, diện tích rộng hơn, việc lựa chọn đặt địa điểm các thiết chế văn hóa-xã hội cũng gặp khó khăn, vướng mắc. Có trường hợp trụ sở của các đơn vị hành chính cấp xã và các cơ sở y tế, giáo dục... không nằm ở vị trí trung tâm về mặt địa lý tự nhiên của đơn vị hành chính mới gây khó khăn cho nhân dân khi giao dịch, tiếp cận dịch vụ công, ảnh hưởng hoạt động quản lý nhà nước, nhất là ở các đơn vị hành chính miền núi, địa bàn rộng như tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Khánh Hòa.
Tại nhiều xã, chúng tôi nhận thấy, khi sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục, nhiều nơi chưa bảo đảm tổ chức hợp lý số lượng các trường học trên địa bàn ảnh hưởng, chất lượng dạy và học, cũng như quản lý cơ sở vật chất hiện có.
Việc cắt giảm ngay trạm y tế ở một số địa phương sau sáp nhập xã nhưng không có phương án chuyển đổi thành điểm trạm cũng ảnh hưởng không nhỏ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở những xã miền núi, biên giới, xã đặc biệt khó khăn.
Người dân một số nơi đã từng phản ứng gay gắt về việc bị xáo trộn sinh hoạt hằng ngày, phát sinh chi phí do phải đưa đón con đi học, thay vì trước đây trường học gần nhà, con cái có thể tự đến trường.
Lãnh đạo các cấp tại một số địa phương cho biết, tiêu chuẩn quy mô dân số và diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 tương đối cao, chưa thật sự phù hợp điều kiện thực tế của một số địa bàn, vùng miền dẫn đến số lượng đơn vị hành chính cần sắp xếp lớn, khó thực hiện cùng lúc để đạt đủ tiêu chuẩn. Đơn cử, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp xã ở nông thôn từ 8.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 30km2 trở lên.
Sau sáp nhập, nhiều địa phương đã gặp vấn đề địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác, khoảng cách địa lý từ nhiều hộ dân đến trung tâm của thôn, xã cũng rất xa, dẫn đến khó khăn khi tổ chức họp, tuyên truyền vận động, sinh hoạt cộng đồng...
Cán bộ, công chức cơ sở rất băn khoăn, lo lắng khi số lượng các xã được hưởng chế độ, chính sách đặc thù giảm đi do sắp xếp các đơn vị hành chính dẫn đến giảm mức đầu tư các chương trình, chính sách có cơ chế phân bổ theo số đơn vị hành chính. Các xã sau khi thực hiện sắp xếp không đủ tiêu chí là xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn thì các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân không còn được áp dụng.
Có trường hợp đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp không trùng với tên gọi của đơn vị hành chính đã được phê duyệt trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2017, cho nên việc thực hiện chính sách hỗ trợ cũng gặp khó vì liên quan công tác nghiệp vụ của cơ quan thanh tra, kiểm toán...
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cũng gặp khó vì liên quan công tác nghiệp vụ của cơ quan thanh tra, kiểm toán. Ảnh minh họa: TRẦN HẢI
Tại Hòa Bình, có 16 xã trước khi sắp xếp thuộc khu vực III, nay không còn được thụ hưởng các chính sách đối với xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2021-2025 do đã được sắp xếp với các xã khác và được phân định thành tám xã khu vực II và ba xã khu vực I trong giai đoạn 2021-2025, có 53 xã khu vực II giai đoạn 2016-2020 không được tiếp tục thụ hưởng chính sách đối với xã thuộc diện khó khăn.
Các chế độ, chính sách an sinh xã hội áp dụng tại các xã này theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021, đã hết hiệu lực kể từ ngày có quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng thực tế, xã đạt chuẩn nông thôn mới vẫn còn nhiều người nghèo, người dân tộc thiểu số... cần nhận được sự hỗ trợ.
Theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019, các chế độ phụ cấp, trợ cấp lần đầu cho cán bộ, công chức khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn cũng không còn. Trong khi các đối tượng này vẫn đang sinh sống, đang thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, khối lượng công việc nhiều hơn.
Từ thực tiễn, cán bộ, công chức và nhân dân các xã khó khăn kiến nghị, Chính phủ không cắt giảm ngay, đồng loạt các chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ đặc thù áp dụng ở đơn vị hành chính sau sắp xếp mà có quy định về lộ trình chuyển tiếp, cắt giảm phù hợp để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người thụ hưởng chính sách, nhất là ở những nơi đặc biệt khó khăn, theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 (ngày 12/9/2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đáng chú ý, theo Bộ Nội vụ, nguyên nhân trước hết do các bộ, ngành ở Trung ương... chưa kịp thời nắm bắt, cập nhật thông tin về việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, dẫn đến khi tham mưu hoặc ban hành chính sách, văn bản pháp luật theo thẩm quyền chưa tính đến nội dung này để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các hướng dẫn liên quan, nhất là về chế độ, chính sách đặc thù, hệ số phụ cấp khu vực, các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Hạn chế này còn có trách nhiệm của UBND cấp tỉnh vì chưa rà soát, lập danh mục chế độ, chính sách đặc thù của đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp, từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời trong đề án để Trung ương có cái nhìn tổng thể.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Thực tiễn cho thấy, lộ trình này cần tiến hành theo từng giai đoạn có trọng tâm, bảo đảm chặt chẽ, chắc chắn và hiệu quả.
Giải bài toán dôi dư nhân lực
Một trong những vấn đề và khó khăn trọng tâm đã và đang đặt ra trong quá trình sáp nhập, tinh gọn là: Công tác bố trí, sắp xếp người dôi dư.
Trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính, cùng lúc phải thực hiện chủ trương bố trí công an chính quy về xã và giảm số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, dẫn tới số lượng người dôi dư giai đoạn 2019-2021 rất lớn, thời gian cam kết của nhiều địa phương đến năm 2024 giải quyết xong theo yêu cầu tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 khó hoàn thành.
Hiện nay, khung vị trí việc làm tại các đơn vị hành chính cấp xã, phòng, ban chuyên môn cấp huyện cơ bản đã bố trí đủ cho nên khó khăn sắp xếp đội ngũ dôi dư. Điều này dẫn đến tình trạng cùng một vị trí việc làm ở một số nơi có nhiều công chức hơn so quy định; không tránh khỏi việc sắp xếp cán bộ, công chức không đúng chuyên môn hoặc nguyện vọng, vừa gây lãng phí nhân lực mà kết quả làm việc hạn chế.
Những trường hợp buộc cho thôi việc cũng tác động đến tư tưởng người lao động. Bên cạnh đó, tuổi đời của phần lớn đội ngũ công chức còn trẻ, nhưng thời gian tiến hành sắp xếp ngắn, chế độ, chính sách chưa đủ để hỗ trợ cán bộ, công chức ổn định cuộc sống sau khi nghỉ việc và tìm công việc mới.
Một góc thành phố Hòa Bình. Ảnh: TRẦN HẢO
Hòa Bình là tỉnh thực hiện quyết liệt chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Trong đó, giảm đến 25% biên chế cấp xã dù theo yêu cầu chỉ giảm 10% trong 5 năm, có nơi (huyện Kỳ Sơn sáp nhập vào thành phố Hòa Bình) giảm gần 50% số đơn vị hành chính cấp xã, thời điểm ngày 22/11/2022 cả tỉnh chỉ còn dôi dư 192 người. Mặc dù quyết tâm, nhưng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn, đến năm 2024 cũng khó hoàn thành việc tinh giản do đội ngũ thuộc diện dôi dư đều có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, nghiệp vụ bảo đảm tiêu chuẩn vị trí việc làm, tuổi còn trẻ, có năng lực, nhiều năm liền công tác đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tín nhiệm, đánh giá cao.
Phó Trưởng phòng Nội vụ thành phố Hòa Bình Trần Thị Quy (sinh năm 1969) cho biết: Phòng tôi hiện có bảy cán bộ, công chức và theo quy định dư bốn công chức, rất khó khăn để cho ai ở, ai nghỉ. Vì vậy, tôi là người tình nguyện về hưu trước tuổi 2 năm để tạo điều kiện cho đội ngũ trẻ. Vẫn còn dư ba công chức nữa, sẽ phải bỏ phiếu để chọn, mặc dù không có quy định nào như vậy, nhưng tình thế bất đắc dĩ mà. Tôi chỉ băn khoăn liệu giải quyết vấn đề như vậy có ổn không, vì có khi người bị nghỉ việc do kết quả phiếu lại là người có năng lực, chuyên môn.
Việc vận động người dôi dư nghỉ việc, có nguyên nhân trước hết do ở một số địa phương, ngân sách khó khăn hoặc có ít đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp cho nên không ban hành quy định riêng để hỗ trợ,chưa có cơ chế tài chính để khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc để chờ nghỉ hưu. Một số tỉnh như Hòa Bình, Hà Tĩnh đã có chính sách hỗ trợ riêng nhưng nay hết hạn và chưa ban hành mới do phải chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cho giai đoạn mới, cho nên rất khó giải quyết số dôi dư còn tồn đọng. Cũng có nơi, công tác vận động, thuyết phục cán bộ, công chức tự nguyện nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi chưa được các cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm đúng mức.
Theo quy định hiện hành, việc bảo lưu các chế độ, chính sách về tiền lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với những người được tiếp tục làm việc nhưng không giữ các chức vụ bầu cử trước đây cho đến hết nhiệm kỳ bầu cử (đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo do bầu cử) hoặc hết thời hạn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo (đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo do bổ nhiệm), đã không còn.
Phó Chủ tịch HĐND xã Mông Hóa (thành phố Hòa Bình) Nguyễn Quang Tuấn cho biết: Tôi sinh năm 1966, theo quy định đến năm 2026, sau bầu cử HĐND khóa mới nghỉ hưu. Nhưng từ chủ trương sắp xếp, tôi thuộc diện cán bộ dôi dư phải nghỉ trước ngày 31/12/2024, tuy nhiên tới thời điểm đó tôi còn thiếu hai tháng làm việc nữa để đủ 20 năm công tác thì mới đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được nhận lương hưu. Cũng chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, nhưng đó là ghi nhận sự cống hiến của cả đời người, nay phải thực hiện ngay thì những trường hợp như tôi rất thiệt thòi. Tuy nhiên, nếu mức hỗ trợ thỏa đáng tôi sẵn sàng nghỉ hưu trước tuổi.
Một trong những băn khoăn, tâm tư lớn nhất của cán bộ ngành nội vụ từ tỉnh đến huyện, xã tại các tỉnh Hòa Bình, Hà Tĩnh là việc sáp nhập các đơn vị hành chính đang làm cho không ít cán bộ trẻ được đào tạo, học hành, có bằng cấp phải đối diện với thực trạng phải nghỉ việc.
Có những người sau khi rời khỏi bộ máy nhà nước đã thành công trong các lĩnh vực tư nhân, kinh tế gia đình. Nhưng có những người không tìm được vị trí làm việc phù hợp. Có cán bộ trẻ tâm sự: Tôi thuộc dạng dôi dư, có thể phải nghỉ việc. Tôi đã chủ động tìm việc làm mới nhưng rất khó khăn, thậm chí sẵn sàng xin việc tại các khu công nghiệp nhưng với độ tuổi hơn 40 thì các nhà máy, công ty cũng e ngại khi tiếp nhận hồ sơ...
Bày tỏ nguyện vọng thiết tha được tiếp tục cống hiến, nhưng đảng viên Nguyễn Thúy Kiều (cử nhân Luật, sinh năm 1979) không giấu băn khoăn: Trước đây, tôi giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dân Hóa (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình). Sau sáp nhập, tôi là công chức tư pháp xã Mông Hóa (thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) và thuộc diện dôi dư nghỉ việc trong năm 2024 mặc dù đã được quy hoạch chức danh Phó Chủ tịch HĐND xã Mông Hóa nhiệm kỳ 2026-2031. Nếu dãn lộ trình tinh giản người thuộc diện dôi dư thì tôi có cơ hội được ở lại làm việc.
Gửi phản hồi
In bài viết