Dù Geely không thông báo cụ thể giá trị chuyển nhượng, nhưng giới chuyên môn cho rằng, con số thực tế vào khoảng 8,39 tỷ USD, dựa theo giá trị cổ phần Aston Martin ở thời điểm giao dịch. Việc sở hữu 7,6% cổ phần đồng nghĩa Geely sẽ là một trong những cổ đông lớn nhất của Aston Martin.
Mặc dù thương vụ mới không đem lại vị trí cho Geely trong ban điều hành, nhưng điều này không ảnh hưởng tới kế hoạch của hãng. Thực tế, sau khi sở hữu 10% Mercedes-Benz của Daimler trong năm 2018 (giá trị khoảng 9 tỷ USD), Geely đã có ảnh hưởng sâu rộng tới các hoạt động của thương hiệu ô tô Đức, bao gồm cả việc phát triển một liên doanh cho phép kiểm soát một phần thương hiệu Smart, vốn nổi tiếng với những mẫu xe 2 cửa siêu nhỏ gọn.
Lâu nay, trào lưu thâu tóm các thương hiệu ô tô châu Âu lâu đời vẫn là “mốt” của các nhà sản xuất Trung Quốc, nhất là từ khi Ford nhượng lại Volvo cho Geely vào năm 2010.
Một thương hiệu Anh khác là Morris-Garrage (MG) hiện đã được công ty ô tô quốc tế Thượng Hải (SAIC) thâu tóm. Hãng xe này sử dụng tên gọi Anh cho các dòng sản phẩm tự thiết kế, và bán ra thị trường nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Hiện, SAIC cũng là chủ sở hữu của Leyland DAF Vans (LDV) - vốn từng thuộc về tập đoàn Anh Rover Group.
Trong khi đó, Lotus cũng thuộc về Geely (sở hữu 51% cổ phần), Pirelli có 45,5% cổ phần thuộc về ChemChina, tập đoàn hóa chất của Chính phủ Trung Quốc.
Nhiều hãng ô tô châu Âu hiện cũng có cổ đông chính là các đối tác Trung Quốc. Ngoài Geely, Daimler (chủ sở hữu Mercedes-Benz) còn “chia” 9,98% cổ phần cho Tập đoàn ô tô Bắc Kinh (BAIC). Tương tự, Dongfeng sau khi sở hữu 12% cổ phần của PSA (sở hữu Peugeot, Citroen…) vào năm 2014, hiện sở hữu khoảng 6% của Stellantis - thực tế mới thành lập dựa trên sự kết hợp giữa PSA và Fiat Chrysler.
Gửi phản hồi
In bài viết