Bộ Tài chính Saudi Arabia mới đây đã thông báo cho một số nước thành viên của Nhóm G7 rằng, nước này không thể chấp nhận việc tịch thu tài sản phong tỏa trị giá 300 tỷ USD của Liên bang Nga.
Bloomberg dẫn các nguồn tin riêng cho biết, Riyadh đã ám chỉ rằng trong trường hợp xấu nhất, họ có thể thoái vốn một số nghĩa vụ nợ châu Âu.
"Bộ Tài chính Saudi Arabia đã thông báo cho một số đối tác G7 về việc nước này không đồng tình với ý tưởng tịch thu tài sản Nga nhằm hỗ trợ Ukraine. Saudi Arabia đề cập cụ thể đến khoản nợ do Pháp phát hành", Bloomberg viết.
Vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua, G7 đã nghiên cứu nhiều phương án khác nhau liên quan đến tài sản bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga ở phương Tây. Cuối cùng, nhóm này đã đi đến thỏa thuận về kế hoạch cung cấp cho Ukraine khoản vay 50 tỷ USD vào cuối năm, được bảo đảm bằng lãi phát sinh từ 300 tỷ đô la Mỹ tài sản bị đóng băng của Nga. Một số quốc gia thành viên khu vực đồng euro phản đối ý tưởng này vì lo ngại làm suy yếu đồng tiền của mình.
Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Saudi Arabia phủ nhận việc gây sức ép lên các nước G7, đồng thời nói thêm rằng "không có mối đe dọa nào như vậy được đưa ra".
"Mối quan hệ của chúng tôi với G7 và các nước khác là mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau và chúng tôi tiếp tục thảo luận mọi vấn đề thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống tài chính quốc tế", tuyên bố nêu rõ.
Tuy nhiên, động thái trên của Saudi Arabia có thể gây ra phản ứng dây chuyền nguy hiểm với phương Tây nếu các quốc gia khác trên thế giới làm theo Riyadh. Các nước EU đang cân nhắc phản ứng với Saudi Arabia, nhưng hành động này nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngoại giao ngày càng tăng của Saudi Arabia trên trường thế giới.
"Bất kể động cơ của Saudi Arabia là gì, bước đi này nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Riyadh trên trường quốc tế và những khó khăn mà Nhóm G7 phải đối mặt trong việc tìm cách vận động các nước thuộc Global South ủng hộ Ukraine", Bloomberg nhận định.
Saudi Arabia vẫn chưa có lập trường cụ thể về cuộc xung đột ở Ukraine sau khi bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sĩ vào tháng trước và từ chối ký thông cáo chung của hội nghị.
Trước đó, Saudi Arabia đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về Ukraine vào tháng 8-2023. Quốc gia này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán trao đổi tù binh lớn giữa Ukraine và Nga, liên quan đến gần 300 người vào tháng 9-2022.
Đồng thời, Saudi Arabia vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga. Mối quan hệ này đã được củng cố sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Gửi phản hồi
In bài viết