Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Sáng 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Giám sát trực tiếp tại 10 địa phương
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, nội dung giám sát tập trung vào 4 nội dung chính.
Cụ thể là đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; đề xuất kiến nghị, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. (Ảnh: DUY LINH)
Theo Kế hoạch, đối tượng giám sát gồm: Chính phủ; một số Bộ; UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan, bao gồm: các cơ quan, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở đào tạo một số khối ngành trọng điểm, chất lượng cao (như sức khỏe, sư phạm chất lượng cao, luật, kinh tế, kỹ thuật...; một số trường chuyên, trường năng khiếu đào tạo nhân tài...); một số cơ sở giáo dục, đào tạo đặc thù (khối công an, quân đội; cơ sở đào tạo tạo nguồn đào tạo nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi...).
Phạm vi giám sát là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn từ 2021 đến hết ngày 31/12/2024 trên phạm vi cả nước (từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến nay).
Đoàn Giám sát dự kiến sẽ tổ chức các đoàn công tác để tiến hành giám sát trực tiếp tại 10 địa phương: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh.
“Giám sát ít nhưng làm sao thật sự chất lượng”
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội rất quan tâm vấn đề thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ thống nhất cách đặt vấn đề của Đoàn giám sát, theo đó tập trung sâu vào vấn đề đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực để phát hiện những mặt mạnh, những việc làm được trong việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực trong thời gian qua; đồng thời thấy được những hạn chế để từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp giáo dục, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Đánh giá đề xuất về tiêu chí của các địa phương giám sát là hợp lý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đề cương báo cáo kết quả giám sát cần có phân tích, dự báo, đặt ra nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực cho phù hợp. Cùng với đó, phải nghiên cứu kỹ phạm vi giám sát, nhất là các văn bản của Đảng đã ban hành, xác định những nội dung đã thực hiện, những nội dung đang thực hiện và những nội dung chưa thực hiện, làm rõ lý do vì sao chưa thực hiện cùng những vấn đề dư luận, xã hội, nhân dân quan tâm.
“Các số liệu phải đầy đủ, có bức tranh tương đối toàn diện về thực trạng nguồn nhân lực của đất nước hiện nay; đánh giá rõ quy mô, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực trong mối tương quan với các nước trong khu vực và thế giới. Phải nêu rõ các kiến nghị, đề xuất đúng thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương, trung ương”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh năm 2025 là năm phải tập trung cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, chuẩn bị bầu cử Quốc hội khoá XVI, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, Chủ tịch Quốc hội cho biết, chủ trương của Quốc hội sẽ là giám sát sẽ ít nhưng làm sao thật sự chất lượng.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Đoàn giám sát sẽ rút kinh nghiệm từ các đoàn giám sát trước để thực sự đổi mới, thiết thực, nâng cao chất lượng, lấy hiệu quả là chính với phương châm “thà ít nhưng hiệu quả”.
Đóng góp ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý cần từng bước hình thành quy định giao cho Trưởng Đoàn giám sát mời hoặc thuê các chuyên gia. Đồng thời phân tích, nếu mời chuyên gia thì ý kiến chuyên gia chỉ có tính tham khảo mà không phải chịu trách nhiệm về pháp luật. Còn nếu thuê chuyên gia thì chuyên gia phải chịu trách nhiệm về các kiến nghị của mình.
Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề xuất, đề cương giám sát cần được xây dựng trên cơ sở tính chất đặc thù vùng miền, địa phương. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần bổ sung đối tượng giám sát là Ủy ban Dân tộc liên quan đến công tác phát triển nguồn nhân lực, thu hút tăng cường đội ngũ cán bộ vùng dân tộc thiểu số; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Gửi phản hồi
In bài viết