Kỳ vọng tạo chuyển biến tích cực
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, chuyên đề giám sát tối cao lần này của Quốc hội là nội dung được đông đảo cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi sát sao tình hình, kết quả thực hiện từ khi tiến hành giám sát đến nay.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang).
Quá trình tổ chức triển khai các cuộc giám sát do các cơ quan của Quốc hội thực hiện để đưa ra được báo cáo kết quả giám sát trình với Quốc hội là cả quá trình làm việc rất tỉ mỉ, thận trọng, kỹ lưỡng.
Đại biểu cho rằng, những nội dung báo cáo nhận định, đánh giá, số liệu tổng hợp đưa ra được xác lập rất chặt chẽ, khoa học, có đầy đủ các căn cứ, dẫn chứng thuyết phục cho thấy bức tranh tổng thể về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản, tài nguyên công của đất nước ta trong thời gian vừa qua.
Đại biểu nhấn mạnh, kết quả giám sát chuyên đề lần này vừa có tính tổng hợp, vừa có tính cụ thể, là cơ sở, dẫn chứng, căn cứ rất quan trọng để Quốc hội ban hành nghị quyết sau giám sát.
“Trên cơ sở đó, có thể nói rằng Quốc hội sẽ đưa ra được những quyết sách căn cơ để đẩy mạnh việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới trên tất cả các phương diện, từ vấn đề hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách, định mức, tiêu chuẩn cho đến vấn đề chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với những thực tế về lãng phí, thất thoát hiện nay”, đại biểu Trần Văn Lâm chia sẻ.
Đại biểu khẳng định, đây cũng là cơ sở để xác lập được một số giải pháp đồng bộ kèm theo trong thực hiện nhiệm vụ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển của đất nước trong hiện tại và cả tương lai.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa).
Chung quan điểm, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhất quán thực hiện.
Đại biểu đánh giá, qua giám sát có thể thấy công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, góp phần phát huy được những thành quả trong phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ, đầu tư công, cụ thể là các công trình trọng điểm quốc gia, đang gây ra tình trạng lãng phí.
Do đó, đại biểu Võ Mạnh Sơn bày tỏ tin tưởng rằng, chuyên đề giám sát tối cao lần này của Quốc hội sẽ tạo được sự chuyển biến tích cực, cùng với Chính phủ tìm ra những giải pháp để phát huy được hiệu quả của các công trình đầu tư công, đáp ứng nhiệm vụ về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Đại biểu cũng kiến nghị tiếp tục rà soát, khắc phục sơ hở, bất cập và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực, đặc biệt những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, nhằm đưa công tác này ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.
Cần rà soát, quy trách nhiệm và có biện pháp khắc phục lãng phí
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội).
Nêu rõ qua giám sát cho thấy nhiều dự án chậm tiến độ cả trong khu vực tư và khu vực công đều gây ra lãng phí, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, sau giám sát các cơ quan có liên quan đến những vấn đề thất thoát, lãng phí cần rà soát, quy trách nhiệm và có biện pháp khắc phục.
Đại biểu phân tích, có tình trạng chậm các dự án đã được giao đất không đưa vào sử dụng và hàng trăm nghìn ha đất đang để lãng phí. Có những dự án chính quyền địa phương đã giao đất nhưng nhà đầu tư hết năng lực, không đủ khả năng triển khai, hay những nhà đầu tư kỳ vọng vào huy động các nguồn vốn từ khách hàng nhưng thị trường chưa sôi động, không huy động được vốn, cũng có những yếu tố khách quan như giao đất nhà đầu tư nhưng chưa giải phóng mặt bằng xong, có những dự án giao nhà đầu tư nhưng lại thay đổi quy hoạch… Do đó, theo đại biểu cần phải phân định rất rõ nguyên nhân để xử lý.
“Trong đợt giám sát lần này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu báo cáo giám sát phải chỉ rõ tồn tại ở đâu và trách nhiệm thuộc về ai. Trên thực tế cho thấy, trong báo cáo giám sát của Đoàn đã chỉ rõ lĩnh vực nào đang lãng phí và trách nhiệm thuộc về khu vực nào phải có trách nhiệm”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Đại biểu cho rằng qua đợt giám sát này không chỉ thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đồng thời cần thực hiện công khai, minh bạch quá trình đầu tư sử dụng tài sản công và cần tiếng nói, giám sát của cộng đồng, xã hội, của người dân vào quá trình giám sát, đánh giá, qua đó giúp sử dụng tài sản công thực sự hiệu quả và tránh lãng phí.
Đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An).
Chung quan điểm, đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An) bày tỏ mong muốn thông qua chuyên đề giám sát lần này của Quốc hội, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân sẽ tiếp tục ủng hộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về chuyên đề giám sát, trong đó đưa ra những kiến nghị cụ thể để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thanh tra, kiểm tra... trong việc triển khai thực hiện, xử lý các tồn tại hạn chế và xác định rõ trách nhiệm xử lý cho từng cơ quan, đơn vị, thời gian, lộ trình xử lý cụ thể.
Để những chủ trương, giải pháp này đi vào cuộc sống, đại biểu Trần Đức Thuận kiến nghị các cấp, các ngành cần tập trung triển khai thực hiện một cách tích cực, hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, tránh lãng phí cơ hội phát triển của đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết