Các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Châu Á
Trong 24 giờ qua, Malaysia và Thái Lan tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới trong 1 ngày cao chưa từng thấy. Cụ thể, Malaysia ghi nhận 17.045 ca nhiễm mới, trong đó có tới 17.039 ca lây nhiễm trong cộng đồng, còn Thái Lan có 15.335 ca mới.
Bộ Y tế Thái Lan đang có kế hoạch chuyển 8,5 triệu bộ xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 tới những địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao trong tháng 8 và tháng 9 để phục vụ công tác xét nghiệm người có nguy cơ lây nhiễm cao tại các vùng dịch.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã kêu gọi người dân đoàn kết vượt qua đại dịch. Ông cho biết, Malaysia sẽ tăng thêm số bệnh viện công điều trị Covid-19 nhằm cung cấp đủ giường cho những ca điều trị tích cực; rà soát và chuyển các trường hợp không mắc Covid-19 sang các bệnh viện tư nhân. Cùng với đó, Malaysia sẽ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt là ở khu vực có số ca nhiễm mới và tử vong cao.
Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil, trở thành quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất thế giới. Nhiều chuyên gia cảnh báo, tình hình này đang tạo ra những điều kiện cho sự xuất hiện của một biến chủng vi rút SARS-CoV-2 còn nguy hiểm hơn Delta.
Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ hàng đầu người Indonesia, nhận định: "Các biến chủng mới luôn xuất hiện ở những khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát. Tại Indonesia, con số này cao hơn 10% trong khoảng 16 tháng ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là trên 30%. Vì thế, rất có khả năng xuất hiện một biến chủng mới hoặc siêu biến chủng".
Trong bối cảnh đó, Indonesia quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế cấp độ 4 đối với các hoạt động cộng đồng (PPKM) từ ngày 26-7 đến ngày 2-8 với một số điều chỉnh quy định liên quan đến các hoạt động cộng đồng và đi lại để bảo đảm phòng dịch.
Hàn Quốc sẽ áp dụng mức độ giãn cách xã hội cao thứ hai (cấp độ 3) ở ngoài khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận bắt đầu từ ngày 27-7, nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 ở các tỉnh, thành vào cao điểm của kỳ nghỉ hè. Ở cấp độ 3, người dân chỉ được phép gặp mặt riêng tư tối đa 4 người và không được tụ tập trên 50 người. Các nhà hàng, quán cà phê và quán karaoke có thể mở cửa đến 22h.
Thông báo trên được đưa ra trong cuộc họp bàn về cách thức ứng phó với dịch bệnh của chính quyền do Tổng thống Moon Jae-in chủ trì. Ông bày tỏ mối quan ngại lớn nhất hiện nay là dịch bệnh ở khu vực ngoài thủ đô, đồng thời cho rằng, giải pháp trên là bắt buộc và cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Châu Âu
Tại châu Âu, sự lây lan biến chủng Delta đang trở thành mối quan ngại của nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã tăng trở lại từ đầu tháng 7, ông Helge Braun, Chánh Văn phòng của Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo, số ca nhiễm mới sẽ tăng trong những tuần tới và có thể lên tới 100.000 ca mỗi ngày vào cuối tháng 9.
Ông Helge Braun cho rằng, cần tăng nhanh tỷ lệ tiêm chủng và thay đổi cách ứng phó để tránh kịch bản 1 ngày ghi nhận 850 ca nhiễm/100.000 người. Theo ông, nếu kịch bản này xảy ra sẽ gây tác động vô cùng lớn bởi khi đó sẽ rất nhiều người phải cách ly, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các nhà máy - điều đã xảy ra tại Anh. Ông Braun kêu gọi người dân Đức đi tiêm chủng để bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ cộng đồng trước sự lây lan của dịch Covid-19.
Do biến chủng Delta, dịch bệnh sắp bùng lên một lần nữa, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hối thúc người dân đi tiêm vắc xin trong bối cảnh tại Pháp diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối quy định về chứng nhận vắc xin và việc bắt buộc tiêm vắc xin đối với một số nhóm ngành nghề. Phát biểu trước các nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Tahiti, Tổng thống Macron nhấn mạnh rằng, tất cả các chuyên gia y tế mà ông từng tiếp xúc đều tin tưởng vào hiệu quả của vắc xin.
Tại Nga, số ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong 24 giờ qua là 24.072 trường hợp. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng mắc mới Covid-19 liên tục ở mức cao là do thời gian gần đây tại Nga diễn ra nhiều sự kiện tập trung đông người, như 7 trận đấu trong khuôn khổ Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2020) hay sự kiện "Cánh buồm Đỏ" nhân tháng "Đêm trắng" tại thành phố St. Petersburg.
Trong khi đó, người dân lơ là trong việc thực hiện các biện pháp y tế phòng dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn phù hợp theo khuyến cáo. Thành phố St. Petersburg đã trở thành địa phương có số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng theo ngày cao thứ hai nước Nga, chỉ sau thủ đô Mátxcơva.
Gửi phản hồi
In bài viết