Người dân được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại một điểm tiêm chủng ở thủ đô Beirut (Lebanon). Ảnh: Reuters.
Ngày 13-6, tại phiên họp kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí tăng các khoản đóng góp tài chính nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.
Trong thông cáo chung sau hội nghị, các nước G7 cho biết sẽ cung cấp 1 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 trong năm sau, đồng thời hợp tác với khu vực tư nhân, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các nước khác nhằm đẩy mạnh việc phân phối vắc xin trong những tháng tới.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G7 với tư cách khách mời, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho rằng đã đến lúc các quốc gia giàu có nhất thế giới hiện thực hóa cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc phát triển các công cụ chống đại dịch Covid-19.
Tổng thống C.Ramaphosa khẳng định, nếu các quốc gia G7 đóng góp phần tài chính tương ứng của mình, cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, phân phối công bằng vắc xin, chẩn đoán và điều trị Covid-19 (ACT-Accelerator) sẽ có được 2/3 số tiền tài trợ cần thiết. Và chương trình này sẽ có được 90% số tiền cần thiết nếu các quốc gia thuộc G20 tham gia.
Nhà lãnh đạo Nam Phi cảnh báo, sẽ có thêm nhiều mạng sống bị cướp đi nếu các cam kết hỗ trợ tài chính nhằm ứng phó với Covid-19 không được thực hiện ngay lập tức. Ông cũng kêu gọi tạm miễn quyền sở hữu trí tuệ đối với việc sản xuất vắc xin ngừa Covid-19.
Ngày 13-6, cũng tại Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo về sự phân hóa sâu sắc đang diễn ra trong tiến trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19, khi nhiều nước vẫn phải vật lộn để tiếp cận với vắc xin, trong khi một số nước khác lại thừa nguồn cung.
Châu Mỹ
Mỹ vẫn là nước có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, với hơn 34,3 triệu ca nhiễm bệnh và hơn 615.000 bệnh nhân đã tử vong.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), các trường hợp mắc mới Covid-19 đang có xu hướng giảm tại hầu hết các bang ở nước này. Số ca mắc mới trung bình trong tuần vừa qua đã giảm xuống còn 14.315 trường hợp mỗi ngày, so với mức trung bình 21.000 trường hợp của tuần trước đó.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống Covid-19 có thể khiến số ca nhiễm mới tăng trở lại tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 thấp.
Ngày 13-6, Bộ Y tế Brazil cho biết, nước này đã ghi nhận 1.129 trường hợp tử vong do Covid-19 và 37.948 ca nhiễm mới. Đã có gần 490.000 bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại nước này trên tổng số hơn 17,4 triệu người nhiễm bệnh. Sau 1 năm tạm hoãn vì đại dịch, Giải vô địch bóng đá Nam Mỹ Copa America lần thứ 47 đã chính thức khởi tranh tại Brazil vào ngày 13-6 (giờ địa phương).
Châu Âu
Tính đến ngày 13-6, Pháp đã có 30,3 triệu người được tiêm mũi đầu tiên vắc xin ngừa Covid-19 và 15.759.420 người được tiêm chủng đầy đủ.
Ngày 13-6, Thủ tướng Italia Mario Draghi cho biết, nước này có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh bắt buộc đối với du khách tới từ Anh nếu số ca mắc Covid-19 ở xứ sở sương mù tiếp tục gia tăng nhanh chóng.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nước Anh đang đứng trước nỗi lo về sự gia tăng mạnh mẽ các ca mắc biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ và có khả năng lây lan cao.
Ngày 13-6, Nga đã ghi nhận thêm 14.723 ca mắc Covid-19, mức cao nhất theo ngày ở nước này kể từ ngày 13-2. Chỉ riêng khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Mátxcơva đã ghi nhận 7.704 ca mắc mới.
Châu Á
Lebanon đã tiêm hơn 40.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ) trong một đợt tiêm chủng tăng cường vào cuối tuần trước trong nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19. Gần 50 điểm tiêm chủng trên khắp cả nước đã tiêm cho người dân trên 50 tuổi và người khuyết tật trên 16 tuổi chưa từng được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Lebanon với hơn 6 triệu dân đã ghi nhận hơn 542.000 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có hơn 7.700 người đã tử vong. Tỷ lệ mắc Covid-19 ở nước này đang ở mức thấp nhất trong nhiều tháng gần đây. Theo số liệu của Bộ Y tế Lebanon, khoảng 927.000 người tại nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19, kể từ khi chương trình tiêm chủng được khởi động vào tháng 2.
Gửi phản hồi
In bài viết