Châu Á
Châu Á đang là điểm nóng của dịch Covid-19 với số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày đặc biệt tăng cao tại một số nước như Iran, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Nhật Bản.
Sức ép của đại dịch đối với hệ thống y tế tại Tokyo và các khu đô thị khác của Nhật Bản đang tiến đến giai đoạn nguy cấp. Đây là cảnh báo của hội đồng chuyên gia thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đưa ra tại cuộc họp của chính phủ ngày 11-8 trong bối cảnh số ca mắc mới ở Nhật Bản tăng lên mức cao mới do biến chủng Delta lây lan mạnh. Tại cuộc họp, các chuyên gia nhận định tình hình dịch ở thủ đô Tokyo có nguy cơ diễn biến xấu đi dù chương trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt tiến triển. Thống kê của hãng Kyodo cho thấy, ngày 11-8, Nhật Bản ghi nhận 15.813 ca mắc mới, vượt mức cao nhất từng được ghi nhận ngày 7-8 là 15.753 ca.
Đại dịch Covid-19 có nguy cơ vượt tầm kiểm soát ở Hàn Quốc khi số ca nhiễm mới trong ngày lần đầu tiên vượt 2.000 ca vào ngày 11-8. Các chuyên gia y tế sở tại cũng đưa ra cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 4 dường như đang khó kiềm chế hơn những làn sóng trước đây và thậm chí vẫn chưa đạt đỉnh dịch. Sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới hằng ngày xuất hiện trong bối cảnh Hàn Quốc áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất kéo dài tại khu vực thủ đô và vùng phụ cận khiến các cơ quan y tế phải cảnh giác cao độ. Đặc biệt, chỉ 2 ngày trước đó, có đánh giá cho rằng các ca nhiễm mới "đang giảm dần".
Người dân khám sàng lọc để tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại một điểm tiêm chủng hoạt động 24/7
tại thủ đô Manila, Philippines ngày 10-8.
Chiều 11-8, chính quyền thủ đô Phnom Penh (Campuchia) thông báo gia hạn lệnh giới nghiêm toàn thành phố và một số biện pháp hành chính, hạn chế trên địa bàn thủ đô để phòng, chống dịch Covid-19 kể từ 0h ngày 13-8 đến ngày 26-8.
Trong khi đó, các trung tâm tiêm chủng ngừa Covid-19 trên toàn thủ đô Manila của Philippines đang tăng tốc tiêm chủng, hoạt động 24/24, nhằm ngăn chặn số ca mắc Covid-19 gia tăng do biến chủng Delta gây ra.
Cơ quan quản lý sản phẩm y tế Trung Quốc vừa phê duyệt việc thực hiện các thử nghiệm quy mô trong nước nhằm tiêm kết hợp vắc xin CoronaVac sử dụng công nghệ bất hoạt của hãng Sinovac và một loại vắc xin công nghệ DNA do công ty công nghệ sinh học Mỹ Inovio phát triển.
Châu Âu
Dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp tại châu Âu khi Nga và Anh ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 tăng vọt. Cơ quan thống kê dữ liệu của Nga ngày 11-8 công bố báo cáo cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 799 ca tử vong do Covid-19. Đây là lần thứ 4 trong 1 tháng qua, Nga ghi nhận số ca tử vong theo ngày ở mức cao nhất, trong bối cảnh nước này đang ứng phó làn sóng dịch bệnh do sự lây lan của biến chủng Delta. Trong khi đó, Anh đã ghi nhận 146 ca tử vong do Covid-19- số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ ngày 12-3, do tác động của sự gia tăng các ca mắc mới vào tháng trước.
Sau cuộc họp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với các quan chức liên quan trong chính phủ để đánh giá tình hình dịch bệnh, người phát ngôn của Chính phủ Pháp Gabriel Attal ngày 11-8 thông báo nước này sẽ áp dụng một số biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 cứng rắn hơn trong bối cảnh số ca mắc mới đang "giả đi ngang" và không có dấu hiệu lắng xuống. Ông Gabriel Attal cho biết Pháp sẽ tăng cường kiểm soát đường biên giới bằng các biện pháp quyết liệt hơn, trong đó yêu cầu tất cả khách du lịch đến từ các quốc gia có nguy cơ phải làm xét nghiệm kháng nguyên nhằm ngăn chặn tối đa sự lây nhiễm vào lãnh thổ nước này.
Được áp dụng thử nghiệm từ đầu mùa hè cho các chuyến du lịch, "chứng chỉ xanh" về Covid-19 hay hộ chiếu vắc xin sẽ chính thức có hiệu lực tại Bỉ từ ngày 13-8 đối với các sự kiện tập trung đông người, đặc biệt tại các sân vận động và các lễ hội diễn ra vào cuối tuần này.
Ngày 11-8, ông Francesco Figliuolo, quan chức phụ trách chiến dịch phòng, chống Covid-19 của Italia, đã viết thư gửi người đứng đầu các chính quyền địa phương yêu cầu họ cho phép trẻ từ 12 đến 18 tuổi được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mà không cần đặt hẹn trước kể từ ngày 16-8.
Châu Mỹ
Hơn 175 chuyên gia y tế công cộng và các nhà khoa học hàng đầu cũng như nhà hoạt động xã hội của Mỹ đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có các bước đi khẩn cấp để cùng thế giới đương đầu với đại dịch Covid-19, trong đó có việc lập tức xuất khẩu lượng vắc xin mà nước này đang dự trữ.
Ngày 11-8, tờ The Washington Post đã đăng toàn văn một bức thư chung mà các nhà khoa học gửi tới các quan chức cấp cao của Nhà Trắng, trong đó cho biết biến chủng Delta đang khiến châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á phải chứng kiến sự gia tăng mạnh các ca nhiễm mới do Covid-19, trong khi tại những khu vực này, lượng vắc xin còn rất hạn chế. Nội dung bức thư cũng nêu rõ Mỹ hiện có hơn 55 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 dự trữ, trong khi tốc độ tiêm phòng của nước này hiện chỉ khoảng 900.000 liều/ngày. Với tỷ lệ này, các cơ sở y tế của Mỹ sẽ phải mất hơn 2 tháng để tiêm hết số vắc xin đang lưu kho.
Các nhà khoa học kêu gọi chính quyền Mỹ "trong vòng 1 tuần tới triển khai ngay việc xuất khẩu ít nhất 10 triệu liều vắc xin/tuần" cho cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu COVAX hoặc thông qua các cơ chế phân phối toàn cầu khác. Bức thư đã được gửi tới Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan và điều phối viên ứng phó với Covid-19 Jeff Zient.
Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne ngày 11-8 cảnh báo, số dân Mỹ Latinh được tiêm đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 chưa đạt tới 20%, thậm chí trong một số trường hợp, tỷ lệ này còn thấp hơn 5%.
Gửi phản hồi
In bài viết