Số ca tử vong do đại dịch Covid-19 đã vượt qua mức 4 triệu người

Tính đến 6h sáng ngày 6-7, thế giới đã có 184.901.426 ca mắc Covid-19, trong đó, 4.000.012 trường hợp tử vong.


Người dân chờ nạp đầy bình oxy để cung cấp cho bệnh nhân Covid-19 tại Jakarta (Indonesia).

Châu Á

Chính quyền thành phố Mumbai (Ấn Độ) đã phong tỏa bệnh viện Shivam và thu hồi giấy phép hoạt động do nghi ngờ bệnh viện này nằm trong đường dây tiêm vắc xin Covid-19 giả. Lãnh đạo bệnh viện đã bị bắt giữ.

Đầu năm nay, bệnh viện này đã được đưa vào danh sách các trung tâm tiêm chủng tư nhân và có giấy phép tiêm vắc xin Covid-19. Bệnh viện đã nhận được trên 20.000 liều vắc xin từ cơ quan dân sự BMC của Mumbai. Tuy nhiên, cảnh sát nghi ngờ bệnh viện đã giữ lại các lọ vắc xin đã hết, đổ nước muối vào rồi tiếp tục tiêm cho những người đến sau.

Ít nhất 2.000 người đã được tiêm nước muối tại Mumbai trong tháng 5 và tháng 6. Tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 10 trung tâm tiêm chủng đang bị điều tra và nghi ngờ thu được 35.000 USD từ vắc xin giả.

Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, số ca mới mắc Covid-19 trong ngày hiện đã vượt 29.000 ca. Song con số này hiện vẫn chưa đạt đỉnh. Số ca mắc Covid-19 sẽ còn tiếp tục tăng trong 12 ngày tới. Ông kêu gọi toàn thể người dân hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ bằng cách tuân thủ lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng khẩn cấp, đặc biệt là việc giảm các hoạt động đi lại của người dân. Trong một động thái mới nhất, Chính phủ Indonesia đã quyết định kéo dài thời gian áp đặt lệnh hạn chế cộng đồng quy mô nhỏ đối với các khu vực bên ngoài đảo Java và Bali từ ngày 6 đến 20-7.

Trong khi đó, đề nghị chính phủ giải quyết ngay tình trạng thiếu oxy y tế cho các bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là ở Java và Bali. Bên cạnh tình trạng khan hiếm giường bệnh tại các bệnh viện, một vấn đề hiện không kém phần cấp bách cần khắc phục ngay tại Indonesia là tình trạng khan hiếm oxy cho bệnh nhân Covid-19. Theo Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani, chính quyền trung ương phải vào cuộc một cách hệ thống và nhanh chóng hơn để xử lý vì tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của bệnh nhân đang được điều trị.

Tình hình dịch bệnh tại Campuchia vẫn phức tạp khi số ca mắc Covid-19 vẫn ở mức cao. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 896 ca mắc, trong đó có 210 ca nhập cảnh và 686 ca lây nhiễm cộng đồng, đưa tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 55.187 ca. Hai tuần trở lại đây, số người tử vong vì Covid-19 liên tục tăng nhanh đáng lo ngại. Hiện  đã có 748 người tử vong vì đại dịch tại nước này.

Tại Thái Lan, Bộ Y tế thông báo sẽ nâng công suất của bệnh viện dã chiến Bussarakham tại tỉnh Nonthaburi lên 4.000 giường nhằm đối phó với khả năng gia tăng các ca nhiễm biến chủng Delta, nhất là tại thủ đô và các khu vực lân cận.

Để thuận tiện cho việc truy tìm người có liên quan hoặc có nguy cơ mắc Covid-19, Lào đã yêu cầu người nhập cảnh và người dân cài đặt ứng dụng LaoKYC trên thiết bị di động để nhận mã QR của dịch vụ "Lao Sou Sou" nhằm giám sát di chuyển trong giai đoạn dịch bệnh. Theo đó, mã QR sẽ được khai báo mỗi khi các cá nhân nhập cảnh hoặc di chuyển đến các địa điểm nhằm giúp cơ quan chức năng lưu trữ lại thông tin hành trình để phục vụ cho công tác dịch tễ có thể phát sinh. Bên cạnh đó, Chính phủ Lào cũng yêu cầu tất cả các nhà cung cấp dịch vụ, bao gồm cả nhà hàng và cửa hàng, phải đăng ký hệ thống và thiết lập mã QR qua địa chỉ: www.laokyc.gov.la để ghi nhận dữ liệu của khách hàng, đồng thời đề nghị các tỉnh đưa ra biện pháp xử phạt những trường hợp không tuân thủ chương trình LaoKYC.

Châu Âu

Tại châu Âu, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đã hối thúc người dân đi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nhiều nhất có thể, đồng thời cảnh báo rằng quốc gia châu Âu này có thể rơi vào làn sóng dịch bệnh thứ 4 vào cuối tháng này do biến chủng Delta có mức độ lây nhiễm cao. Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Veran cho hay, trong 5 ngày qua, mức độ lây nhiễm không giảm. Ông cảnh báo tình hình dịch bệnh tại Anh là ví dụ cho thấy làn sóng thứ 4 có nguy cơ xảy ra ở Pháp, do vậy nước này phải đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng.

Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, số ca nhiễm mới Covid-19 sẽ tiếp tục tăng khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, nhưng khả năng bệnh nhân phải nhập viện và tử vong giảm nhờ chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Đến nay khoảng 64% số người trưởng thành ở nước này đã được tiêm 2 liều vắc xin. Tuy nhiên, Thủ tướng nước này Boris Johnson nhấn mạnh đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt, do đó người dân "phải bắt đầu học cách chung sống với vi rút gây bệnh này".

Tại Đức, ông Mario Czaja – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Berlin – cho biết có 5 đến 10% người đăng ký đã bỏ lỡ lịch hẹn tiêm vắc xin tại các trung tâm tiêm chủng của thành phố. Tỷ lệ này gia tăng đáng kể so với đầu năm, khi số người không đến tiêm chỉ là chưa đầy 0,5%.

Với khoảng 15.000 liều tiêm dự kiến được phân phối mỗi ngày tại các trung tâm tiêm chủng, số lượng người bỏ lỡ lịch hẹn đã có tác động to lớn tới chiến dịch tiêm chủng của thành phố.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục