Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Tại hội nghị, Bộ Y tế đề nghị các đại biểu cùng thảo luận để tìm ra giải pháp về thể chế, cơ chế chính sách tổ chức thực hiện ở cơ sở và ở các cơ quan đơn vị để đảm bảo ATTP và hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm xảy ra ở mức độ thấp nhất, tử vong ít nhất.
Trong 5 tháng đầu năm 2024 cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, với 2.138 người mắc, tăng 1.432 ca (202,8%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 10 vụ quy mô mắc trên 30 người. Tại các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất xảy ra 3 vụ với 518 người mắc, không có ca tử vong. Tại bếp ăn các trường học xảy ra 2 vụ với 56 người mắc, không có ca tử vong.
Trong 36 vụ ngộ độc thực phẩm, có 2 vụ tìm ra nguyên nhân do hóa chất, 6 vụ do độc tố tự nhiên và 17 vụ không xác định nguyên nhân. Đặc biệt, có 11 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến vi sinh vật làm 1.241 người mắc.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thông tin về công tác quản lý và thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm. Đại biểu một số điểm cầu nêu ý kiến phân tích nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm thời gian qua. Theo các đại biểu, ý thức chấp hành các quy định về ATTP của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ, thường xuyên; một số cơ sở kinh doanh nhập nguyên liệu trôi nổi... là các nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Nhằm tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện công tác kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nguyên liệu thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành Y tế điều tra nguyên nhân khi có các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Đồng thời đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP trong tình hình mới. Đồng chí cũng chỉ đạo đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo điều kiện ATTP trong các khâu chế biến; đẩy mạnh tuyên truyền nguy cơ và biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp… góp phần hạn chế thấp nhất số vụ ngộ độc thực phẩm.
Gửi phản hồi
In bài viết