Văn nghệ chào mừng lễ hội hoa sơn tra Sơn La, Yên Bái năm 2023.
Dự ngày hội hoa sơn tra có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ; Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La.
Đồng chí Tòng Thị Phóng và các đại biểu tham gia trải nghiệm gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP.
Thực hiện các nội dung liên kết, hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc theo Biên bản ghi nhớ giữa Huyện ủy các huyện: Mường La, Bắc Yên (tỉnh Sơn La) và Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), Ủy ban nhân dân huyện Mường La đã tổ chức ngày hội hoa sơn tra năm 2023. Ngày hội được tổ chức thành hai khu vực với chuỗi các sự kiện văn hóa, thể thao và trải nghiệm ngắm hoa sơn tra.
Người dân tham quan triển lãm tranh nghệ thuật tại ngày hội hoa sơn tra năm 2023.
Tại huyện Mường La đã diễn ra các hoạt động trải nghiệm ngắm hoa sơn tra và thưởng thức các chương trình nghệ thuật, gian hàng OCOP với các sản phẩm nông nghiệp, văn hóa của cả 5 huyện Mường La, Bắc Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn.
Tổ chức lễ công bố quyết định công nhận cây di sản cho 7 cây có tuổi từ 300-1.000 tuổi trên địa bàn xã Ngọc Chiến và phiên chợ 0 đồng; trải nghiệm hát then, đàn tính Ngọc Chiến; thi tinh hoa ẩm thực Mường La.
Ngoài phát thuốc miễn phí cho người dân, gian hàng không đồng còn tặng phiếu mua hàng thiết yếu cho 723 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, du khách còn được tham quan, trải nghiệm ngắm hoa sơn tra; giao lưu âm nhạc tổ chức các môn thể thao dân tộc H’Mông như đẩy gậy, thi đánh tu lu, bắn nỏ, ném pao, bịt mắt bắt vịt, chọi dê, thi giã và làm bánh dày; tô sáp ong trên vải, giao lưu văn hóa bản làng…
Tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái diễn ra các hoạt động dù lượn truyền thống; trải nghiệm ngắm hoa sơn tra và giao lưu văn hóa đặc sắc dân tộc H’Mông. Ngoài tôn vinh nét đẹp của hoa sơn tra, ngày hội còn mong muốn quảng bá, giới thiệu hình ảnh, nét đẹp văn hóa của huyện Mường La, Mù Cang Chải đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm và khám phá.
Cây Du-sam 1.000 năm tuổi tại bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La được công nhận cây di sản.
Đồng chí Vũ Đức Thuận, Bí thư Huyện ủy Mường La, cho biết: Ngoài mục đích tôn vinh vẻ đẹp của hoa sơn tra, ngày hội còn là dịp quảng bá, giới thiệu hình ảnh một Mường La, một Mù Cang Chải độc đáo, khác biệt, trẻ trung, năng động với đầy ắp những tài nguyên du lịch đặc sắc đang chờ du khách mọi miền đến trải nghiệm và khám phá.
Đông đảo nhân dân đến xem, tham dự khai mạc ngày hội hoa sơn tra năm 2023.
Ngày hội năm nay sẽ tạo cơ hội và điều kiện tốt nhất giúp kết nối mọi người, kết nối cộng đồng, kết nối các công ty, du khách cùng trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội đầu tư khai thác các tài nguyên du lịch của huyện Mường La, tỉnh Sơn La cũng như huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái và các huyện lân cận.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng trao hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có nhà ở, nhà ở tạm hai tỉnh Yên Bái, Sơn La, mỗi tỉnh 3 tỷ đồng.
Nhân dịp này, Ủy ban Dân tộc Chính phủ và tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ hai tỉnh Sơn La và Yên Bái mỗi tỉnh 3 tỷ đồng xóa nhà tạm cho hộ nghèo; tặng quỹ khuyến học huyện Mường La và huyện Mù Cang Chải mỗi huyện 50 triệu đồng.
Ngày hội sẽ kết thúc vào ngày 19/3.
Gửi phản hồi
In bài viết