Đại biểu chia sẻ ý kiến tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phùng Mạnh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La cho biết: Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục khẳng định việc phát triển du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Sơn La trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn của vùng Tây Bắc; xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập quốc tế.
Hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng 540 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 38 khách sạn từ 1-5 sao, 502 nhà nghỉ du lịch, homestay và các loại hình lưu trú du lịch khác. Các hoạt động thương mại, du lịch của Sơn La đã phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19.
Du lịch có nhiều khởi sắc khi đưa vào khai thác 3 sản phẩm du lịch mới độc đáo, khác biệt là cầu kính Bạch Long, làng Bắc Âu, khu phố đi bộ - chợ đêm thuộc Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Cùng với đó, các cơ sở lưu trú du lịch, lữ hành và các khu, điểm du lịch hoạt động đảm bảo an toàn, hiệu quả, chất lượng. Tổng lượng khách đến Sơn La năm 2022 ước đạt 3,2 triệu lượt, bằng 3,51 lần so với cùng kỳ năm trước; doanh thu từ du lịch ước đạt 2.800 tỷ đồng, bằng 3,29 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngành Du lịch Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng lượng khách đạt 5,2 triệu lượt, trong đó thu hút khoảng 500 nghìn lượt khách quốc tế, tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt 4.658 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân 10-20%/năm; tạo ra khoảng 3.000 việc làm trực tiếp.
Tại hội thảo, phần lớn các ý kiến đều cho rằng, những hạn chế lớn nhất của Sơn La hiện nay là hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở kinh doanh du lịch chưa được đầu tư bài bản; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa mang tính đặc thù; dịch vụ du lịch chưa phát triển, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển...
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La Phùng Mạnh Hiệp cho biết, hiện nay, Sơn La đã và đang tiến hành xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, dự kiến cuối năm 2025 đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Hòa Bình - Sơn La nói riêng. Cùng với đó, dự án đầu tư, xây dựng sân bay Nà Sản trong tương lai sẽ góp phần cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với Sơn La. Ông Hiệp cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội, Sơn La và các địa phương sẽ tăng cường liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc xây dựng sản phẩm, kết nối tour tuyến để du lịch Mộc Châu, Vân Hồ nói riêng và Sơn La nói chung sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Đoàn khảo sát tham quan Khu du lịch thác Dải Yếm.
Cầu kính Bạch Long - cầu kính có đường đi bộ dài nhất thế giới (thuộc Khu du lịch Mộc Châu Island).
* Bên lề hội thảo, từ ngày 28 đến 30-11, 120 đơn vị doanh nghiệp lữ hành ở ba miền Bắc, Trung, Nam và khu vực Tây Nguyên; Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến du lịch và Hiệp hội Du lịch các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng... cùng phóng viên các báo, đài Trung ương và địa phương đã tham gia Chương trình khảo sát giới thiệu điểm đến, kết nối tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2022 tại hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ.
Gửi phản hồi
In bài viết