Cuộc sống mới
Đến thôn Sơn Thuỷ vào ngày đông đầy nắng ấm, chúng tôi cảm nhận nơi đây như khoác lên mình một chiếc áo mới tươi sáng hơn. Năm 1973, hưởng ứng phong trào đi xây dựng vùng kinh tế mới, 19 hộ dân ở huyện Hưng Hà (Thái Bình) tới thôn Sơn Thủy lập nghiệp, xây dựng đời sống mới.
Sơn Thuỷ trong ký ức của nhiều người là thôn xa nhất của xã vùng cao Yên Thuận, không điện, đường sá đi lại khó khăn. Nhớ lại những ngày ấy, ông Phạm Quang Khởi, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Sơn Thuỷ kể, thôn có địa hình đồi, núi thấp phù hợp để trồng chè nên những người đi khai hoang khi đặt chân đến đây đã xác định trồng chè là cây chủ lực để phát triển kinh tế. Hơn 110 ha chè đã giúp người dân thôn Sơn Thủy có cuộc sống no đủ, tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%, kinh tế phát triển hơn những thôn khác trong xã. Tuy nhiên, do nằm ở vị trí xa xôi, đường giao thông đi lại khó khăn, gần 50 năm qua nguồn điện lưới quốc gia không đến được với người dân thôn Sơn Thủy.
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Yên Thuận (Hàm Yên) trao đổi cách chăm sóc chè đông
cho thành viên Hợp tác xã Chè xanh Thuận Thủy.
Với khát khao có điện, nên năm 1996, xã Vô Điểm (huyện Bắc Quang, Hà Giang) giáp ranh với thôn Sơn Thủy được nhà nước đầu tư trạm biến áp, 80 hộ dân thôn Sơn Thủy đã góp hơn 100 triệu đồng để mua dây, dựng cột kéo điện qua sông về sử dụng. Thế nhưng, vì là dây trần, đường điện lại xa, bị hao tải, khi về đến thôn, nguồn điện rất yếu chỉ để thắp sáng và giá điện cao gấp nhiều lần so với giá điện nhà nước bán ra.
Tháng 7-2021, sau thời gian dài mong mỏi, niềm vui của 91 hộ với 360 nhân khẩu của thôn Sơn Thuỷ như vỡ oà trong niềm vui sướng, bởi ước mong có điện từ bao đời nay đã trở thành hiện thực khi Công ty Điện lực Tuyên Quang đã đầu tư xây dựng công trình cấp điện cho 2 thôn Sơn Thủy, Lục Khang với mức đầu tư trên 7 tỷ đồng được hoàn thành.
Nay đã bước sang tuổi 90, cụ Phạm Thị Xuân phấn khởi cho biết, từ khi có điện lưới, người dân trong thôn ai cũng vui vẻ, bởi điện không chỉ đem lại nguồn sáng mà còn giúp người dân nắm bắt được thông tin, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua các phương tiện. Cái quan trọng nhất là các cháu học sinh có điện sáng để học tập.
Hợp tác xã Chè xanh Thuận Thuỷ, thôn Sơn Thuỷ, xã Yên Thuận (Hàm Yên) đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại sản xuất chè xanh chất lượng cao.
Anh Nguyễn Xuân Trung chia sẻ, trước đây nhiều hộ mua ti vi, tủ lạnh cũng chỉ để “làm cảnh” vì điện quá yếu không thể sử dụng được. Nay, có điện rồi thì người dân yên tâm mua sắm các thiết bị như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, rồi máy móc phục vụ sản xuất... để từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống hơn, người dân các thôn xóm có điều kiện để phát triển kinh tế hơn. Nhờ có điện mà cửa hàng tạp hoá của gia đình anh cũng phong phú mặt hàng và đông khách hơn.
Phát huy thế mạnh
Với vùng chè rộng hơn 112 ha, những năm trước đây vì giao thông đi lại khó khăn lại không có điện nên người dân trong thôn chủ yếu bán chè búp tươi cho thương lái ở huyện Bắc Quang (Hà Giang) về sơ chế, hiệu quả kinh tế không cao. Nhiều hộ gia đình có ý định đầu tư xây dựng xưởng chế biến chè cho bà con nhưng vì nguồn điện không đảm bảo nên không ai dám đầu tư. Anh Bùi Xuân Hiển là hộ có diện tích chè nhiều nhất thôn với 9,5 ha cho biết, mỗi năm gia đình anh thu hoạch hơn 100 tấn chè búp tươi, chia thành 6 vụ, nhưng chỉ bán được sản phẩm thô với giá thấp (từ 2.500 - 3.000 đồng/kg) cho thương lái, trừ hết chi phí lời lãi chẳng còn là bao.
Tuyến đường bê tông và công trình thắp sáng đường quê thôn Sơn Thuỷ, xã Yên Thuận (Hàm Yên) mới hoàn thiện,
giúp người dân đi lại và thông thương hàng hoá thuận lợi.
Khi hệ thống điện lưới quốc gia, điều kiện sản xuất của người dân thôn Sơn Thuỷ được đổi thay, phát triển rõ rệt. Ngay khi có dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho thôn Sơn Thuỷ triển khai, ông Phạm Văn Bừng thôn Sơn Thuỷ đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến chè, lắp hệ thống điện 3 pha và thành lập Hợp tác xã Chè xanh Thuận Thủy với 12 thành viên tham gia trồng hơn 23 ha chè theo hướng VietGAP. Hiện nay, sản phẩm chè xanh được chế biến tại xưởng được cung cấp ra thị trường với giá từ 130.000 đồng/kg cao gấp nhiều lần so với bán chè búp tươi, mang lại nguồn thu nhập cao cho các thành viên hợp tác xã.
Ông Ma Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Yên Thuận cho biết, Sơn Thuỷ có 91 hộ thì có tới 89 hộ phát triển kinh tế từ chè. Ngoài diện tích trồng chè, thôn đã vận động nhân dân phát triển mô hình kinh tế lâm nghiệp, chăn nuôi, đưa máy móc vào sản xuất, thu hoạch sản phẩm. Nhờ đó, đến nay, thôn chỉ còn 8 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm. Có điều kiện kinh tế, các gia đình xây dựng nhà cửa, tập trung đầu tư cho con em học hành…
Sơn Thuỷ đang chuyển mình, nhịp sống mới ở mảnh đất vùng cao đang khởi sắc nhờ sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm và sự bắt nhịp kịp thời của người dân cùng sự hỗ trợ của Nhà nước góp phần cùng Yên Thuận sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình vào năm 2024.
Gửi phản hồi
In bài viết