Sống làm người, chớ vô tình bạc nghĩa

Vụ hỏa hoạn đêm 12-9 vừa qua thực sự thảm khốc! Lửa khói phút chốc khiến 56 con người mãi mãi không thức dậy; hàng chục người khác bị thương, mất cha mất mẹ, mất anh mất em, mất cả cơ ngơi sản nghiệp một đời.

Trước nỗi đau mất mát to lớn ấy, thật xúc động trước những nghĩa cử của đồng bào, đồng chí cả nước; nhưng cũng thật đáng trách vài giọng điệu dè bỉu, châm chọc, bới móc… ở một số ít người quen lối sống vô tình, bạc nghĩa…

1. Ngay khi nhận tin dữ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có thư thăm hỏi, an ủi, động viên; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thị sát hiện trường, thăm hỏi nạn nhân; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thắp hương tưởng nhớ các nạn nhân; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng có mặt tại hiện trường ngay từ hơn 6h sáng, chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương cứu chữa nạn nhân, khắc phục hậu quả, bảo đảm an sinh, ổn định tư tưởng, đời sống cho người dân, điều tra nguyên nhân để sớm làm rõ trách nhiệm.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể thao của thành phố trong 4 ngày; các cơ quan, tổ chức, đơn vị đồng loạt cúi đầu tưởng niệm người đã mất và chung tay quyên góp, giúp đỡ các nạn nhân, thân nhân người bị nạn. Tính đến 17h ngày 19-9, có tới 87 tỷ đồng đã được các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đồng bào, đồng chí trong cả nước gửi đến ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân, san sẻ gánh nặng với phường Khương Đình, với quận Thanh Xuân và với Thủ đô chúng ta. Ấy là còn chưa kể rất nhiều cá nhân, gia đình sẵn sàng chia sớt chỗ ăn, chỗ ở miễn phí cho các gia đình nạn nhân, tự nguyện cùng tham gia cấp cứu hay giúp đỡ việc hậu sự…

Đó là trách nhiệm, bổn phận và cũng là lương tâm, tình cảm của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố, của nhân dân cả nước trước nỗi mất mát, đau thương vô cùng bất ngờ, to lớn này!

Đó là phẩm cách ăn ở nhân hậu, nghĩa tình “đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi”, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” được ông cha truyền dạy từ ngàn đời đến nay!

Đó là mạch nguồn truyền thống “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” của dân tộc Việt chúng ta!

2. Ấy thế mà, trong khi tuyệt đại bộ phận người dân Việt xót xa, đau đớn trước hậu quả vụ hỏa hoạn và bày tỏ nỗi tiếc thương bằng nhiều hành động rất ý nghĩa, thì đây đó lại vẳng lên một vài giọng điệu bới móc, chê bai, dè bỉu thậm chí là xuyên tạc, kích động.

Nào là “chính quyền đã ở đâu khi dân quằn quại trong lửa khói…”, nhằm kích động sự phẫn nộ của dư luận, bất chấp sự thật là lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng nhân dân xung quanh đã ngay lập tức có mặt, dốc sức cứu hộ, cứu nạn.

Nào là hoài nghi rằng có thể sẽ “lợi dụng chuyện này để đổ lỗi, thanh trừng…” hòng đẩy đưa dư luận ngả sang hướng tiêu cực, bất chấp việc thành phố đã và đang tích cực điều tra làm rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm theo đúng các quy định của pháp luật, với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Thậm chí, khi lời kêu gọi quyên góp của cơ quan Mặt trận Tổ quốc, của các cơ quan báo chí nhận được sự đồng tình, hưởng ứng rất nhanh từ khắp mọi miền trong cả nước, vẫn có những kẻ cố tình cho rằng đó chỉ là sự “nhẫn tâm”, lấy nỗi đau thảm khốc này để “câu kéo” tiền bạc, “làm màu làm mè” cho hình ảnh, uy tín riêng!

Đó là giọng của những kẻ vô tình bạc nghĩa; là tiếng của những kẻ thất nhân thất đức.

Ai phải chịu cảnh bỗng không cha không mẹ, trở nên côi cút, mới hiểu thế nào là nỗi đau!

Ai phải chịu cảnh bỗng mất sạch cơ ngơi sản nghiệp, mới biết thế nào là mất mát!

Ai phải chịu cảnh người đầu bạc đưa tiễn kẻ đầu xanh, mới thấm thía nỗi tang thương, đau đớn!

Trong mất mát, tang thương, đau đớn như thế, sao có thể thốt lên những lời hằn học, đố kỵ, phũ phàng đến vậy?

3. Những lúc như thế này, chúng ta nên ôn lại những lời chỉ bảo của Bác Hồ.

Năm 1950, Bác dạy các cán bộ tư pháp mà cũng là dạy tất cả chúng ta: “Nghĩ cho cùng vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức...”.

Cuối đời, Bác vẫn đau đáu dặn dò, “nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa... Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà. Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”.

Hãy bỏ đi cái lối sống vô tình, cái cách nói bạc nghĩa, bởi nó rất xa lạ trong đời sống văn minh, rất lạc lõng với truyền thống dân ta!

Sống với nhau có tình có nghĩa, lá lành đùm lá rách, thì niềm vui nhân đôi mà nỗi buồn vơi nửa, như một câu thành ngữ “Đất giúp đất nên tường, người giúp người nên thành”, hay như nhà thơ Tố Hữu đã viết “Có gì đẹp trên đời hơn thế/Người yêu người sống để yêu nhau”...

Tin cùng chuyên mục