Với mỗi người dân Việt Nam, Chiến dịch Hồ Chí Minh và ngày 30 - 4 - 1975 đã trở thành mốc son chói lọi, chấm dứt cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. 48 năm đã qua, với thương bệnh binh Trần Mạnh Mật, thôn 3, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) – một trong những nhân chứng lịch sử từng tham gia Chiến dịch thì cảm xúc về những ngày tháng năm ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức, luôn thổn thức, vang vọng và không thể nào quên. |
Gặp gỡ và trò chuyện với chúng tôi về những ngày kháng chiến hào hùng, oanh liệt của cả dân tộc, cảm xúc lại ùa về trong trái tim người thương bệnh binh già Trần Mạnh Mật khiến ông không giấu nổi niềm xúc động xen lẫn tự hào. Theo dòng hồi tưởng, ông nhớ lại: “Tháng 10 - 1974, tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi. Sau ngày nhập ngũ, tôi tham gia huấn luyện 2 tháng ở Nghệ An rồi nhận nhiệm vụ là chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148, Sư Đoàn 316, Quân khu 2". |
Trận đánh đầu tiên ông tham gia tại Buôn Mê Thuột, nhờ dũng khí chiến đấu sục sôi của toàn quân và dân ta nên chỉ sau 3 ngày đánh liên tiếp thì quân ta thắng và giải phóng thành phố Buôn Mê Thuột. Sau trận đánh ấy, ông được phong cấp bậc lên làm Tiểu Đội trưởng, và cùng đơn vị rút về Củ Chi (Sài Gòn). |
Nói về nhiệm vụ của đơn vị lúc này, ông Mật cho biết: Đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh ấp Trại Võ ở Củ Chi, rồi rút ra Giầu Tiếng, về Trảng Bàng (Tây Ninh) rồi lại về Củ Chi. Tại các điểm đánh, chiến sự diễn ra rất ác liệt. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 - 4 - 1975, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tiếng còi báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thời khắc đó, cảm xúc dâng trào không gì diễn tả được. |
Bằng tinh thần yêu nước và sự dũng cảm, mưu trí, không sợ hy sinh trong các cuộc chiến… từ năm 1977 đến năm 1988, thương bệnh binh Trần Mạnh Mật tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tại Lai Châu, Lào Cai. Những cống hiến của ông được Đảng và Nhà nước ghi nhận, phong cấp bậc lên làm Đại đội trưởng, quân hàm Thiếu úy, rồi phong hàm Trung úy; làm Tiểu đoàn phó, quân hàm Thượng úy. Đến năm 1989 ông được phong hàm Đại úy, làm Tiểu đoàn trưởng chỉ huy trực tiếp Tiểu Đoàn 4, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, Quân Khu 2 (gồm 5 Đại đội) đi đánh giặc Tàu ở Hà Giang. |
Trong các trận chiến hết sức ác liệt mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của quân ta anh dũng hy sinh. Cựu chiến binh Trần Mạnh Mật tuy may mắn sống sót, nhưng ông vẫn mang trong mình những thương tích của chiến tranh, trên bả vai ông vẫn còn sót lại mảnh vỏ bom đạn năm xưa. Mỗi khi trái nắng trở trời, những cơn đau nhức lại ập đến khiến ông đau đớn không thôi. Nó nhắc ông nhớ về chiến sự năm nào, nhớ về những người đồng đội năm xưa, những người đang sống và những người đã ngã xuống trong chiến tranh. Giờ đây với ông Mật, may mắn được chứng kiến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thêm 10 năm chinh chiến ở vùng biên giới phía Bắc và trở về với gia đình là một điều kỳ diệu, là niềm hạnh phúc vô giá. Ngày nhập ngũ ông chỉ là một cậu thanh niên học xong lớp 7, tham gia vào chiến trường khốc liệt bằng tình yêu đất nước của mình. Từ một chiến sĩ nhỏ ông được thăng tiến lên làm Tiểu đoàn trưởng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì và Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Ba; trong 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì. |
Đất nước được giải phóng, đơn vị ông Mật rút về tỉnh Tuyên Quang đóng quân và huấn luyện. Năm 1991, ông phục viên về địa phương phát triển kinh tế. Quê ông ở Thanh Hóa, nhưng ông quyết định chọn mảnh đất Tuyên Quang để lập nghiệp. Ông trở về quê nhà đón vợ và các con lên Tuyên Quang sinh sống. Ông Mật bảo: “Cuộc sống lúc đó còn nhiều khó khăn lắm, nhưng cái khó nhất là dám đương đầu với cái chết trong đánh giặc đã làm được rồi thì không có gì là không làm được. Khi thấy mảnh đất của quốc phòng ở cạnh nhà để hoang, cỏ mọc rậm rạp, tôi đã xin mượn lại 4 ha để phát triển mô hình vườn, ao, chuồng…” |
Do đất toàn đá ong, lại trên mảnh đất trống ông Mật áp dụng chiến lược trong đánh trận vào làm kinh tế. Xung quanh mảnh đất trống, ông chọn trồng tre làm hàng rào “phòng ngự”, ngăn không cho trâu bò thả rông vào phá hoại cây trồng. Vợ chồng ông chăm chỉ làm ngày, làm đêm, quyết không cho đất nghỉ. Với phương châm lấy ngắn, nuôi dài, hễ cứ có tiền từ hoa màu, ông lại mua cây giống gieo trồng vụ tiếp và chăm chút cho đàn trâu, bò sinh sôi, nảy nở. Tiền thu được từ trăn nuôi, trồng trọt sau nhiều năm tích cóp, năm 2014 ông xây dựng được ngôi nhà khang trang. Gia đình ông cũng là hộ khá giả trong thôn. |
Ông Trần Mạnh Mật hy vọng các thế hệ con cháu sau này sẽ giữ mãi hào khí dân tộc, ghi nhớ những trang sử hào hùng của đất nước và công ơn của thế hệ đi trước, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ dựng xây Tổ quốc ngày càng tươi đẹp. |
Gửi phản hồi
In bài viết