Các em học sinh trường THCS Lê Quý Đôn tham gia hoạt động trải nghiệm Ngày hội STEM 2022.
Tại Tuyên Quang, giáo dục STEM được triển khai ở tất cả các cấp học theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của từng trường học cũng như đặc thù của từng môn, STEM được triển khai một cách linh hoạt, hiệu quả. Theo đó, các hoạt động được tổ chức phong phú như thành lập các câu lạc bộ trải nghiệm thực tế, dạy học tích hợp theo các chủ đề STEM, tổ chức ngày hội trải nghiệm sáng tạo, các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh...
Tại nhiều trường học, ngày hội STEM chính là sân chơi khoa học, bổ ích thúc đẩy phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Thầy giáo Ngô Tuấn Anh, Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang) cho biết, thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn của nhà trường, những năm học vừa qua, Ban giám hiệu, các thầy cô giáo và phụ huynh đã phối hợp tổ chức sân chơi lành mạnh cho các em học sinh qua hoạt động ngoại khóa Ngày hội STEM.
Tại đây, các em được phát huy khả năng sáng tạo, ứng dụng những kiến thức đã được học để tạo ra những sản phẩm có ích trong cuộc sống hàng ngày. Các môn học như Công nghệ, Toán, Sinh học, Vật Lý, Hóa học, Địa lý... cùng các kỹ năng tư duy làm việc nhóm, thuyết trình, bản đồ tư duy Mind Map được các em vận dụng linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. STEM giúp các em hiểu được sức mạnh của công nghệ và phát minh, từ đó có điều kiện thích nghi, phát triển trong môi trường công nghệ hóa.
Giờ học trải nghiệm sáng tạo của học sinh trường Mầm non Song ngữ Smart Montessori Tuyên Quang.
Thay vì những giờ học kiến thức khô khan và khó tiếp cận, STEM đòi hỏi các em học sinh chủ động nắm vững, ôn lại kiến thức và sử dụng tư duy sáng tạo để tạo nên sản phẩm sinh động, gần gũi với thực tế cuộc sống. Em Hoàng Kim Huy, lớp 11B1, trường THPT Xuân Vân (Yên Sơn) chia sẻ: “Chúng em cảm thấy rất hào hứng khi được cùng nhau thử sức tạo ra sản phẩm có ích từ chính những kiến thức mà mình đã được học. Nhiều sản phẩm của các nhóm lớp trong ngày hội STEM khiến em ấn tượng đó là máy hút bụi mini, kính thiên văn, đồ chơi thăng bằng, thạch rau câu từ thiên nhiên, đồng hồ toán học... Em hy vọng sân chơi khoa học bổ ích này sẽ được duy trì và phát huy, giúp chúng em sáng tạo và nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học”.
Giáo dục STEM ở bậc mầm non cũng được chú trọng bắt đầu từ việc xây dựng môi trường học tập mang tính “mở”, kích thích tư duy, sáng tạo của trẻ. Cô giáo Ngô Thị Cúc, trường Mầm non Hồng Quang (Lâm Bình) tâm sự, mặc dù là trường vùng cao, điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng hoạt động STEM cũng đã được đưa vào trường học một cách linh hoạt, tiết kiệm. Đó là những góc học tập, góc khám phá được làm từ những đồ thủ công, đồ tái chế để các em vừa học vừa chơi; các hoạt động trải nghiệm vườn hoa, nhận biết các con vật nuôi trong gia đình... Qua đó tạo điều kiện để các em được học tập trong môi trường gần gũi, thân thiện giúp trẻ phát triển toàn diện.
Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục STEM. Các tiết học theo phong cách học tập mới với học sinh là trung tâm, giáo viên là người định hướng đã giúp phát huy tối đa năng lực của học sinh trong từng cấp học. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Gửi phản hồi
In bài viết