Ở nội dung nhảy xa nữ diễn ra ngày 9-12, có 10 vận động viên tranh tài, vận động viên Bùi Thị Thu Thảo đã kết thúc cuộc đấu ở vị trí số 1, với thành tích 6m27 giành Huy chương vàng. Điều đáng nói, thành tích này đạt được sau một thời gian dài chị xin nghỉ để điều trị chấn thương và thực hiện thiên chức làm mẹ.
Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Lại Phúc Lộc, trực tiếp phụ trách môn điền kinh cho biết, mặc dù thành tích 6m27, chưa thể bằng 6m55 từng giúp Thu Thảo giành Huy chương vàng ASIAD 2018 ở Indonesia và chưa thể xô đổ kỷ lục quốc gia của chính Thu Thảo thiết lập năm 2017 là 6m68, nhưng đây là tín hiệu tốt, đánh dấu sự trở lại của vận động viên này.
“Bùi Thị Thu Thảo mới trở lại tập luyện cùng đội tuyển từ đầu tháng 10 năm nay. Nhằm giúp Thu Thảo lấy lại cảm giác tốt nhất để chuẩn bị cho SEA Games 31 và xa hơn là ASIAD 19, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội đã “gửi gắm” cô lên Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội tập luyện cùng đội tuyển quốc gia. Dù mới trở lại tập luyện, nhưng Thu Thảo đã nhanh chóng lấy lại phong độ và bắt nhịp nhanh với cường độ tập luyện cao của một vận động viên chuyên nghiệp”, ông Lại Phúc Lộc nói.
Sinh năm 1992 trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đồng Thái (huyện Ba Vì), từ nhỏ, Bùi Thị Thu Thảo đã bộc lộ năng khiếu với thể thao và giành giải Nhất 3 môn: Đá cầu, điền kinh, bơi lội của huyện, khi mới 13 tuổi. Đầu quân cho thể thao Hà Nội, ban đầu Thu Thảo được xếp tập luyện ở tổ cự ly chạy dài. Nhờ có sự đánh giá chuẩn xác của huấn luyện viên Nguyễn Trọng Hổ, Thu Thảo đã chuyển sang tập luyện nội dung nhảy xa và sự thay đổi đó đã mang tính bước ngoặt.
Bùi Thị Thu Thảo sở hữu chiều cao và thân hình được đánh giá không phù hợp với tiêu chuẩn của một vận động viên nhảy xa, khi chỉ cao có 1,65m. Thế nhưng, nhờ có tố chất thể thao đặc biệt, thông số tập luyện và thi đấu của Thu Thảo liên tục thăng tiến. Thu Thảo cũng là vận động viên hiếm hoi trong lịch sử của điền kinh Việt Nam đạt đến đẳng cấp châu Á. Tại ASIAD 2014, dù liên tục dẫn đầu, song cuối cùng, Thu Thảo chỉ giành Huy chương bạc đầy tiếc nuối. Không từ bỏ mục tiêu và nhờ kiên trì tập luyện, 4 năm sau tại ASIAD 2018, Thu Thảo đã đạt thông số 6m55 để giành Huy chương vàng, đánh dấu một cột mốc lịch sử cho điền kinh Việt Nam. Năm 2017, Thu Thảo đã vô địch hai chặng Grand Prix điền kinh châu Á, giải vô địch châu Á, Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật châu Á cùng tấm Huy chương vàng SEA Games 29.
Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, sự trở lại của Bùi Thị Thu Thảo ở thời điểm này rất có giá trị, nhất là trong bối cảnh thể thao Việt Nam phải tranh tài ở nhiều giải đấu quan trọng trong năm 2022 như: SEA Games 31, ASIAD 2022, Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2022. Còn theo các chuyên gia, nếu kiên trì tập luyện và duy trì thể trạng tốt, Thu Thảo hoàn toàn có thể bảo vệ được tấm Huy chương vàng ASIAD.
Vận động viên Bùi Thị Thu Thảo chia sẻ: “Tôi sẽ cố gắng tập luyện, thi đấu thật tốt, sớm lấy lại phong độ thi đấu đỉnh cao, mang vinh quang về cho thể thao nước nhà. Mục tiêu của tôi là giành Huy chương vàng SEA Games 31 vào tháng 5-2022 và đạt thành tích tốt nhất tại ASIAD năm 2022”.
Gửi phản hồi
In bài viết