Sửa quy định mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với NSNN
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 9 về việc mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đó, về phương án can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dự thảo bổ sung thêm quy định về tỷ giá áp dụng (là tỷ giá trung tâm) để vẫn đảm bảo thực hiện được giao dịch giữa NHNN và NSNN trong trường hợp phương án can thiệp không có nội dung về tỷ giá can thiệp giao ngay.
Cụ thể, dự thảo nêu rõ:
1. Mua ngoại tệ từ NSNN: Căn cứ vào kế hoạch bán ngoại tệ hằng năm của NSNN và văn bản đề nghị bán ngoại tệ của Bộ Tài chính và/hoặc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Giao dịch thực hiện mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước từ NSNN với tỷ giá quy định.
2. Bán ngoại tệ cho NSNN:
a) Căn cứ văn bản đề nghị mua ngoại tệ của Bộ Tài chính để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước, Vụ Quản lý ngoại hối phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Sở Giao dịch xây dựng phương án cân đối bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước trình Thống đốc phê duyệt và thông báo với Bộ Tài chính;
b) Căn cứ vào phương án cân đối bán ngoại tệ đã được Thống đốc phê duyệt, Sở Giao dịch thực hiện việc bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước với tỷ giá quy định.
3. Tỷ giá mua, bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước:
a) Trường hợp mua, bán đô la Mỹ, tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ bằng tỷ giá can thiệp tại phương án can thiệp; nếu tại thời điểm thực hiện không có phương án can thiệp hoặc tại phương án can thiệp không có tỷ giá giao ngay thì áp dụng tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ bằng tỷ giá trung tâm.
b) Trường hợp mua, bán ngoại tệ khác ngoài đô la Mỹ, tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ được áp dụng trên cơ sở tỷ giá tính chéo của tỷ giá xác định tại điểm a khoản này và tỷ giá bình quân của giá mua và giá bán giữa loại ngoại tệ được mua, bán và đô la Mỹ được niêm yết trên thị trường ngoại hối quốc tế thông qua hệ thống mạng thông tin Refinitiv hoặc Bloomberg trước 10 giờ sáng của ngày giao dịch.
Theo NHNN, việc sửa đổi, bổ sung nêu trên là do trong một số giai đoạn, phương án can thiệp của NHNN chỉ có tỷ giá mua/bán kỳ hạn, trong khi giao dịch mua/bán giữa NSNN và NHNN thông thường áp dụng tỷ giá giao ngay. Để giải quyết vướng mắc nêu trên, Thông tư 01 cần bổ sung thêm quy định về tỷ giá áp dụng (là tỷ giá trung tâm) để vẫn đảm bảo thực hiện được giao dịch giữa NHNN và NSNN trong trường hợp phương án can thiệp không có nội dung về tỷ giá can thiệp giao ngay.
Cần xem xét "tình hình thanh khoản đồng Việt Nam" khi thực hiện can thiệp thị trường ngoại tệ
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 15 về can thiệp thị trường trong nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp thị trường trong nước thông qua các hình thức sau:
a) Mua, bán ngoại tệ với đồng Việt Nam dưới hình thức mua, bán ngoại tệ giao ngay; mua, bán ngoại tệ kỳ hạn; mua, bán quyền chọn mua, quyền chọn bán ngoại tệ hoặc các hình thức mua bán khác do Thống đốc quyết định;
b) Hoán đổi ngoại tệ với đồng Việt Nam;
c) Các hình thức can thiệp thị trường trong nước khác được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nội dung phương án can thiệp thị trường trong nước bao gồm: Thời gian can thiệp, loại ngoại tệ can thiệp, tỷ giá can thiệp, số lượng ngoại tệ can thiệp, hình thức can thiệp, đối tác thực hiện can thiệp và các nội dung khác có liên quan.
Về cơ sở xây dựng phương án can thiệp thị trường trong nước, dự thảo quy định gồm:
a) Mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá;
b) Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước;
c) Tình hình thị trường ngoại tệ và/hoặc tình hình thanh khoản đồng Việt Nam;
d) Các yếu tố khác tùy theo từng trường hợp cụ thể (nếu có).
NHNN cho biết: Quy định hiện nay chưa đề cập đến yếu tố "tình hình thanh khoản đồng Việt Nam", trong khi đây là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc, xem xét khi thực hiện can thiệp thị trường ngoại tệ. Đồng thời, quy định về tình hình thị trường ngoại tệ và tình hình thanh khoản VNĐ sẽ bao hàm đầy đủ hơn các yếu tố cần thiết để quyết định phương án can thiệp. Vì vậy cần bổ sung yếu tố này vào Thông tư. Ngoài ra, để có sự linh hoạt trong việc xây dựng phương án can thiệp, cần bổ sung thêm "Các yếu tố khác tùy theo từng trường hợp cụ thể (nếu có)".
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Gửi phản hồi
In bài viết