Điểm sáng bê tông hóa đường giao thông nông thôn
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Yên Sơn, hiện nay, Chiêu Yên đang là xã về đích sớm nhất trong bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh. Là xã nằm xa trung tâm thị trấn nhưng cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã đã biết phát huy sức mạnh của nhân dân, làm tốt công tác dân vận để khắc phục khó khăn. Năm 2021, Chiêu Yên được giao bê tông hóa 6,2 km đường bê tông nông thôn theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Đến nay, Chiêu Yên đã hoàn thành 100% kế hoạch.
Chủ tịch UBND xã Mông Thanh Vấn chia sẻ, quá trình làm đường bê tông khó khăn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Dao chiếm trên 50% dân số nên bà con chỉ nghe, tin theo việc thật, người thật. Bởi vậy, khi vận động nhân dân hiến đất làm đường, từ cán bộ lãnh đạo Đảng ủy, UBND đến công chức xã, cán bộ thôn đều phải đi từng hộ dân để vận động, đến khi dân “ngấm” nghị quyết. Đảng ủy xã chỉ đạo tổ chức hội nghị trưởng thôn. Các thôn đều phải họp dân, công khai chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh để dân biết, dân bàn rồi tổ chức thực hiện. Với cách làm này đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Đường bê tông rộng 3,5 mét, đường đi qua nhà nào, nhà đó tự dịch rào, hiến đất, chặt cây để thôn làm đường. Chủ tịch Vấn bảo, toàn xã có 300 hộ hiến trên 10 nghìn m2 đất để thôn làm đường trong năm nay.
Nhân dân thôn Tân Lập làm đường bê tông nông thôn theo Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh.
Thôn Tân Lập có 122 hộ dân, người Dao chiếm 100%. Ngay khi có chính sách hỗ trợ làm 1,5 km đường bê tông nội thôn, chi bộ đã họp, thống nhất cao trong đảng viên rồi tổ chức họp dân. Chi bộ xác định nhiệm vụ đầu tiên phải vận động 40 hộ hiến đất. Người Dao ở đây bao năm luôn đoàn kết, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng nên việc triển khai làm đường được nhân dân hết sức đón nhận, phấn khởi. Ngoài đóng góp 1,2 triệu đồng/hộ, người dân còn hiến 1.200 m2 đất để thôn làm đường. Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Tân Lập Đặng Đức Cần luôn là người lăn xả trong công việc chung. Anh bảo, đến nay, thôn đã hoàn thành bê tông hóa 100% đường trục thôn. Vậy là nông sản của bà con như na, xoài, bưởi… từ nay sẽ được vận chuyển dễ dàng hơn. Tân Lập là thôn đặc biệt khó khăn. Đường giao thông khi đã được bê tông hóa chắc chắn sẽ bắt kịp với những thôn khác trong phát triển kinh tế. Sự đồng thuận, góp công, góp của của người dân ở các thôn đã giúp cho Chiêu Yên về đích bê tông hóa đường giao thông trước mấy tháng so với kế hoạch được giao.
Làm giàu trên mảnh đất quê hương
Dẫn chúng tôi đi thăm các hợp tác xã, chủ trang trại làm kinh tế giỏi, cho thu nhập cao, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Hiến phấn khởi khoe, hiện nay, trên địa bàn xã đã thành lập được 5 hợp tác xã liên kết trồng, kinh doanh trái cây hữu cơ, chăn nuôi trâu, bò, lợn và thủy sản. Ngoài ra, toàn xã đã hình thành 10 trang trại tổng hợp. Cây mía giờ không còn là cây trồng chủ đạo. Với sự năng động, bắt kịp thời thế nên nhân dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Diện tích đất trồng mía trước đây nay thay bằng những vườn cây ăn quả sai trĩu. Theo Phó Chủ tịch Hiến, toàn xã hiện có gần 500 ha cây ăn quả, 650 con trâu, bò, 4.000 đầu lợn, 80 lồng cá đặc sản. Kinh tế hộ của Chiêu Yên đang có nhiều khởi sắc nhờ những người dân dám nghĩ, dám làm giàu.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp thủy sản Thọ Sơn, xã Chiêu Yên là người tiên phong nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô.
Chàng trai trẻ Phạm Đức Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Vân sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Giao thông vận tải cũng đi tứ xứ để làm ăn. Hai năm lăn lộn ngoài đời, đi nhiều tỉnh, thành, anh nhận ra chẳng đâu bằng đồng đất quê nhà. Anh tích cóp được chút vốn liếng và quyết định trở về lập nghiệp tại gia đình. Năm 2012, anh đầu tư trồng cây ăn quả trên diện tích 2,5 ha gồm 500 gốc bưởi, 240 cây cam Vinh và 60 cây nhãn. Từ trồng cây ăn quả, mỗi năm trừ chi phí cho anh thu lãi trung bình từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Không dừng lại, anh tiếp tục dùng số tiến dư ra từ trồng cây ăn quả để chăn nuôi bò sinh sản và vỗ béo. Mỗi năm, bình quân anh xuất bán một lứa, mỗi lứa bán 30 con, thu lãi gần 300 triệu đồng. Nhận thấy muốn làm ăn hiệu quả thì “buôn có bạn, bán có phường”, anh vận động một số hộ chăn nuôi trâu, bò trong thôn liên kết để thành lập Hợp tác xã. Anh cũng đứng ra giúp các thành viên trong Hợp tác xã làm hồ sơ để vay vốn theo nghị quyết của HĐND tỉnh với số vốn vay 2,4 tỷ đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, Hợp tác xã chăn nuôi bò do anh làm chủ có 9 thành viên duy trì đàn trâu bò gần 100 con.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến mô hình nuôi cá lồng đặc sản của ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp thủy sản Thọ Sơn. Ông Bình là người đi đầu đưa giống cá chiên, cá bỗng vào nuôi trên sông Lô ở Chiêu Yên. Ông cũng là người chủ trương thành lập Hợp tác xã này vào năm 2018. Với những mối quan hệ làm ăn lâu dài, bền vững, ngay cả trong dịch bệnh Covid-19, sản phẩm cá đặc sản của ông Bình vẫn được tiêu thụ đều đặn khi đến thời điểm xuất bán. Nhờ mô hình nuôi cá đặc sản, mỗi năm mang lại lợi nhuận hơn 300 triệu cho gia đình ông Bình. Ông Bình bảo: “Làm giàu ngay tại gia đình không khó nếu mình chăm chỉ và biết xoay sở”.
Mô hình nuôi bò vỗ béo của anh Phạm Đức Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Vân, xã Chiêu Yên mỗi năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng.
Với những gam màu sáng trong phát triển kinh tế nhờ sự năng động của người dân, tỷ lệ hộ nghèo ở Chiêu Yên những năm gần đây giảm nhanh. Nếu như đầu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của Chiêu Yên chiếm trên 14% thì đến nay chỉ còn trên 7%. Xã cũng phấn đấu đến hết năm nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 5% và trong tương lai không xa, cùng với sự thay đổi về hạ tầng, đời sống của người dân ở Chiêu Yên sẽ ngày càng có nhiều khởi sắc.
Gửi phản hồi
In bài viết