Phù Lưu có 265 ha chanh tứ thì phát triển tốt, quả to, sai đều.
Ông Nình Văn Hòa, Chi hội trưởng Cam sành xã Phù Lưu dẫn chúng tôi đi tham quan các vườn cam đang trong giai đoạn hình thành quả non đầu vụ khẳng định, cây cam sành xuất hiện ở địa phương này khoảng 50 năm rồi. Lúc đó các gia đình thấy hợp đất trồng ăn chơi, dần dà lan rộng ra cả 22 thôn. Năm 2002 cây cam sành đã bắt đầu hình thành cây ăn quả hàng hóa ở Phù Lưu. Thời điểm cận Tết hàng năm, hình ảnh từng đoàn người trong các sắc phục dân tộc thiểu số gánh từng sọt cam chín vàng trên sườn núi xuống trung tâm xã bán. Sau này cam được các lái buôn chở xe máy, ô tô tải xuống chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) và các tỉnh, thành phố để tiêu thụ. Giờ xe container vào lấy cam xếp thành dãy dài. Trồng cam sành cho thu nhập tốt, do đó mà diện tích cam của xã Phù Lưu không ngừng được mở rộng qua các năm.
Thương lái vào các thôn thu mua quả chanh cho bà con.
Đồng chí Ma Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, hiện nay Phù Lưu có 2.500 ha cam sành, trong đó 2.100 ha đang cho thu hoạch. Trung bình 1 ha cam sành cho thu 15 tấn quả/năm, như vậy sản lượng cam của Phù Lưu khoảng 30.000 tấn quả/năm. Với giá bán trung bình qua các năm khoảng 6.000 đồng 1 kg cam, Phù Lưu thu 1.800 tỷ đồng/năm từ cây cam sành. Ở Phù Lưu hầu như nhà nào cũng trồng cam sành, trong đó có hơn 100 gia đình quy mô trang trại, thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm. Nhờ có cây cam sành mà bộ mặt nông thôn mới xã Phù Lưu thay da đổi thịt từng ngày. Những ngôi nhà sàn bề thế, nhà xây kiểu Thái trị giá hàng tỷ đồng có nhiều ở khắp các thôn. Người dân mua ô tải để chở cam, mua ô tô con để phục vụ sinh hoạt gia đình ngày một nhiều ở địa phương.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phù Lưu lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, phát triển vùng chuyên canh cây cam sành thành cây chủ lực mũi nhọn của địa phương. Để nâng cao giá trị cây cam sành, xã hướng đến phát triển cây cam sành bền vững. Tức là canh tác theo hướng hữu cơ, VietGap, thân thiện với môi trường, giảm nguy cơ đất bạc màu. Những vườn cam già cỗi được cán bộ nông nghiệp, Chi hội Cam sành xã khuyến cáo trồng, cải tạo lại, tăng cường thêm phân vi sinh, phân chuồng hoai mục cho cây. Ông Đặng Văn Đại, thôn Pá Han đã tích cực đi tập huấn, cải tạo thành công 6 ha cam sành của gia đình. Kinh nghiệm của ông Đại là mỗi năm thay thế vài trăm cây, vừa đủ sức chăm sóc, mà vẫn có cam thu hoạch, đảm bảo ổn định nguồn thu nhập.
Những ngôi nhà xây bề thế ngày càng xuất hiện nhiều ở Phù Lưu.
Nhưng có một thực tế qua hàng chục năm khai thác cây cam sành, nhiều gia đình thấy cây cam bị còi cọc, quả bé. Các vườn cam dưới chân lô gần nhà đất bị xói mòn bạc mầu nhanh, gây đau đầu cho người trồng cam. Hơn nữa vùng ruộng một vụ trũng cũng không thích hợp với cây cam sành. Qua khảo sát, đánh giá tình hình, xã Phù Lưu đã quyết định đưa cây chanh tứ thì vào trồng thử nghiệm trên diện tích đất trồng cam bạc màu và vùng ruộng trũng có độ PH cao. Kết quả chanh phát triển tốt, quả sai, gần như cho thu hoạch quanh năm. Nói như người dân địa phương trồng chanh là lấy “ngắn nuôi dài”. Chỉ sau một thời gian ngắn diện tích cây chanh tứ thì nở rộ, hiện tại lên đến 265 ha. Ông Trần Văn Thế, thôn Pác Cáp trồng 600 cây chanh tứ thì cho rằng, trồng cây chanh 2 năm là cho thu hoạch. Giá trị 1 ha chanh không hề thua kém 1 ha cam sành. Hơn nữa cây chanh có ưu điểm không kén đất, dễ trồng, chăm sóc, thu hoạch. Sản lượng đầu ra ổn định, chanh cắt đến đâu, lái buôn mua gom đến đó, nên nhà nhà đều yêu tâm.
Sự thay thế cây chanh trên nền đất bạc màu như một sức bật mới trong phát triển kinh tế ở Phù Lưu. Cây chanh thu hoạch quanh năm, tạo việc làm, thu nhập ổn định trong những lúc nông nhàn. Bên cạnh đó người nông dân kế thừa được kinh nghiệm sản xuất cây ăn quả có múi cam sành, mạng lưới lái buôn lâu năm quen bạn hàng, thông thổ địa hình. Đây là những thuận lợi rất căn bản để Phù Lưu xác định hai loại cây trồng chủ lực cam sành và chanh tứ thì cho những giai đoạn tiếp theo.
Gửi phản hồi
In bài viết