Vì việc chung không nề hà
Đứng trên cây cầu Bảy Hào vững chãi bắc qua dòng suối “dữ dằn” ở thôn Lẹm, nhiều người dân không thể quên được những tháng ngày khó khăn trước đây.
Trong tâm thức của bà con, khi chưa có cây cầu này, việc đi lại của người dân bị cản trở, trẻ em không thể đến trường vào mùa mưa, hơn 1 nửa thôn bị chia cắt, cô lập khi mưa lũ về… Ấy vậy mà bây giờ việc đi lại, giao thương buôn bán diễn ra thuận lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Điều này có được là nhờ chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn được tỉnh triển khai hiệu quả. Cây cầu hoàn thành đúng tiến độ nhờ sự vào cuộc ủng hộ tích cực của người dân khi hiến đất, giải phóng mặt bằng để đơn vị thi công theo đúng kế hoạch.
Gia đình anh Nguyễn Văn Cầu ở thôn Lẹm đã hiến hơn 400 m2 đất của gia đình để xây dựng cây cầu Bảy Hào. Anh Cầu cho biết, khi có chủ trương triển khai xây dựng cầu, cán bộ xã, thôn vận động hiến đất, gia đình anh đồng ý ngay. Anh bảo, bao lâu nay người dân mình đã quá khổ rồi, nay Nhà nước đầu tư xây dựng, mình là người dân giúp được đến đâu mình sẵn sàng. Vì việc chung mình chịu thiệt một chút cũng không sao. Nhà anh Cầu hiến đất, nhà hàng xóm bên cầu cũng hiến, thế là việc nối đôi bờ đã sớm xong...
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lẹm và đại diện 2 hộ dân tham gia hiến đất xây dựng cầu Bảy Hào.
Cũng với tinh thần “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, gia đình ông Dương Minh Hà ở thôn Lẹm cũng tự nguyện hiến 600 m2 đất xây dựng cầu Bảy Hào. Ông Hà bảo, mình ủng hộ chủ trương của tỉnh cũng là làm lợi cho mình. Khi có đường, có cầu việc đi lại thuận lợi rồi thì nông sản của người dân tiêu thụ dễ dàng hơn nhiều. Trước chưa có cầu, muốn bán cái gì cũng khó vì phải chuyển qua suối, giờ thương lái vào tận nơi thu mua, giá trị nông sản được nâng lên.
Cầu Bảy Hào là một trong những cây cầu đầu tiên xây dựng theo công nghệ mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay. Nhiều người ví, cây cầu giống như “cánh tay sắt” nối giữa phát triển và hiện đại đến với vùng đất nghèo thôn Lẹm, để bà con vùng đất này được đổi đời từ chính sự “rộng rãi”, không tiếc “tấc vàng” của mình.
Điểm sáng nông thôn
Cách cây cầu Bảy Hào không xa, lọt vào giữa không gian xanh mướt của những hàng keo, bồ đề… là đoạn đường bê tông sạch đẹp dẫn ra những cánh đồng, vào từng con ngõ nhà dân. Ít ai biết, để xây dựng con đường này là cả một sự cố gắng không hề nhỏ của người dân trong thôn, đặc biệt nhất đó chính là 3 hộ dân nằm trên tuyến đường này.
Do chỉ có 3 hộ nên số xi măng tỉnh hỗ trợ chỉ đủ làm một đoạn ngắn, trong khi cả tuyến đường dài gần 300 m. Song với quyết tâm và sự đồng lòng, 3 hộ dân, trong đó có 2 hộ nghèo đã bỏ thêm tiền để mua xi măng, vật liệu làm đường.
Ông Phạm Ngọc Nho - một trong 3 hộ dân trên cho biết, tính tất cả chi phí từ thuê máy xúc, san gạt đất, mua vật liệu xây dựng... gia đình ông tốn ngót nghét 30 triệu đồng. Đây là số tiền lớn đối với gia đình làm nông như ông nhưng nhìn cảnh người dân qua suối, học sinh ngã dúi dụi ông không đành lòng. Quyết tâm làm bằng được con đường mới, ông không tính toán gì đến số tiền này.
Vẫn thuộc hộ nghèo, nhưng gia đình chị Phạm Thị Lan cũng quyết định bỏ ra số tiền lớn cùng Nhà nước hoàn thành tuyến đường bê tông ở thôn Lẹm. Chị Lan bảo, mình nghèo nhưng vì việc chung, mình cũng không chần chừ được, góp tiền mở đường để đi lại thuận lợi, mở mang kinh tế. Ngay sau khi tuyến đường hoàn thành, việc giao thương thuận lợi hơn, gia đình chị đã tính đến sẽ mở trang trại chăn nuôi, cố gắng để thoát nghèo trong thời gian sớm nhất...
Theo đồng chí Vũ Hữu Minh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lẹm thì tuyến đường trên được hoàn thành không chỉ tạo thuận lợi cho 3 hộ dân trên đi lại mà còn là con đường dẫn ra cánh đồng và rừng cây của nhiều hộ dân khác trong thôn. Chính vì thế khi các hộ này làm đường thì việc nhiều hộ khác được hưởng lợi, tinh thần mình vì mọi người của những hộ dân trên thật đáng khen.
Đoạn đường bê tông ở thôn Lẹm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) dài gần 300 m vừa được hoàn thành.
Cơ hội sau sự đồng lòng
Toàn thôn Lẹm, xã Kháng Nhật có 66 hộ, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn song người dân nơi đây luôn đoàn kết, nỗ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, tỷ lệ gia đình đạt gia đình văn hóa chiếm hơn 95%.
Đồng chí Trần Đình Hạnh, Chủ tịch UBND xã Kháng Nhật cho biết việc xây dựng cầu Bảy Hào cũng như xây dựng các tuyến đường bê tông nông thôn, đường nội đồng... trên địa bàn xã diễn ra thuận lợi chính là nhờ sự đồng tình ủng hộ của người dân. Cây cầu và những tuyến đường bê tông mới được xây dựng đã đáp ứng mong mỏi của người dân nhiều năm qua, vì thế việc giải phóng mặt bằng được đồng thuận rất cao. Trong đó, việc hiến đất làm cầu, làm đường ở thôn Lẹm chính là một điểm sáng, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn của tỉnh.
Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55/NQ-HĐND thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tích cực rà soát, triển khai thực hiện đề án đúng lộ trình đề ra. Mục tiêu trong 5 năm tới, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng được 200 cây cầu với tổng số vốn 470 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi đi kiểm tra tiến độ xây dựng các công trình và giải ngân vốn đầu tư công tại huyện Sơn Dương đã bày tỏ, phải nhân rộng tinh thần đoàn kết, đồng lòng của những người dân thôn Lẹm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương). Trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn, sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của nhân dân như người dân thôn Lẹm là rất đáng quý.
Gửi phản hồi
In bài viết