Khơi nguồn nội lực từ Nhân dân
Tuyến đường trên 1.000 m vào thôn 2 Việt Thành, xã Tân Thành (Hàm Yên) được bê tông rộng 3 m phẳng lỳ. Trưởng thôn Triệu Ngọc Tam cho hay, để có con đường này, nhiều hộ dân đã tự nguyện đóng góp tiền mua vật liệu cát sỏi, tự nguyện hiến đất mở đường đủ tiêu chuẩn. Người dân hiểu nông thôn mới chính là cuộc sống tốt hơn, người dân được biết, được bàn, được làm và quan trọng nhất là người thụ hưởng nên dù còn khó khăn cũng sẵn sàng "gánh" sức cùng với Nhà nước thực hiện các tiêu chí, để khó khăn chỉ hôm nay nhưng dễ cho những năm tháng sau này.
Ông Triệu Văn Vàng, người hiến đất, góp tiền làm tuyến đường dài hơn 500 m dẫn vào thôn cho biết, ông và 5 hộ dân có tuyến đường chạy qua đã góp mỗi hộ 20 triệu đồng mua cát sỏi, tham gia ngày công san mặt bằng và hiện đang cùng đổ bê tông. Con đường này là thành quả của sự nỗ lực, chung sức để mỗi người dân đều có dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới ở thôn, xã.
Nhà văn hóa thôn Bình Dân, xã Bình Yên (Sơn Dương) được làm theo phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ".
Đồng chí Đỗ Hữu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, người dân trong xã đã đóng góp 137 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn. Chính từ việc người dân chủ động làm cùng với sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước đã đem lại sức mạnh để Tân Thành hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Hàm Yên đã huy động được hơn 114 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, chiếm 21% nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, vận động nhân dân hiến gần 68.000m2 đất xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Từ nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách Nhà nước, huyện đã đầu tư, cải tạo hơn 150 km đường giao thông nông thôn; lắp đặt 30 km kênh mường; nâng cấp 11 công trình thủy lợi; cải tạo, xây mới 24 công trình trường học: nâng cấp 6 nhà văn hóa xã, 21 nhà văn hóa thôn, xây mới; hỗ trợ xóa 1.449 nhà tạm, dột nát...
Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hàm Yên cho biết, đến nay, Hàm Yên có 11/17 xã đã hoàn thành nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, dự kiến có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thêm 1 xã nông thôn mới nâng cao và nâng xã Bình Xa từ nông thôn mới nâng cao lên nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục. Huyện đã đạt 3/9 tiêu chí, năm 2023, phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí, các tiêu chí còn lại phấn đấu hoàn thành trong năm 2024.
Tuyến đường bê tông chinh phục núi Bầu dài 700m ở xã Phú Lương (Sơn Dương) hoàn thành trong niềm phấn khởi của người dân bởi đã giải quyết được khó khăn trong thu hoạch, sản xuất nông lâm nghiệp. Đồng chí Hầu Quang Huy, Chủ tịch xã Phú Lương bảo, làm đường bê tông nội đồng ở thôn Trấn Kiêng và thôn Đồng Khuôn là sự nỗ lực cao của người dân, bởi 2 thôn này có 100% đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ đóng góp từ 4 - 6 triệu đồng để mua cát, sỏi, san ủi mặt bằng. Không nhà nào kêu ca phàn nàn gì cả mà quyết tâm làm bằng được tuyến đường để kinh tế đi lên. Đóng góp 7 triệu đồng làm đường, ông Trần Văn Quán đang chăm sóc cây rừng bảo, chính sách hỗ trợ của tỉnh vừa đúng vừa hợp lòng dân. Nếu tỉnh không hỗ trợ xi măng thì người dân không đủ sức làm con đường này. Từ nay, việc vận chuyển hàng hóa, trồng rừng, khai thác rừng không còn quá vất vả như trước bởi vì đoạn khó đã có đường bê tông.
Động lực từ hỗ trợ
của Nhà nước
Bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh là một trong minh chứng hiệu quả theo phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ". Trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã làm được gần 300 km đường bê tông thôn bản.
Từ sự hỗ trợ về xi măng của tỉnh, nhiều tuyến đường bê tông nông thôn, đường vào khu sản xuất hàng hóa của xã Chiêu Yên đã được bê tông khang trang, thay đổi bộ cơ bản giao thông ở xã vùng sâu, vùng xa này. Đồng chí Phạm Văn Sáng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Tiến, xã Chiêu Yên phấn khởi nói, sự hỗ trợ của Nhà nước là động lực để thôn làm 3,8 km đường bê tông nông thôn, đường bê tông nội đồng. Nhiều người dân trong thôn đã bỏ ra từ vài chục đến cả trăm triệu đồng để làm đường. Điển hình như ông Nguyễn Minh Hùng ủng hộ 100 triệu đồng làm 375 m đường làm nội đồng; ông Nguyễn Văn Hoàng hỗ trợ thôn 70 triệu đồng làm trên 300 m đường nội đồng qua đồi rừng...
Đi trên tuyến đường nội đồng vừa hoàn thành ôm trọn đồi keo đang khép tán, ông Nguyễn Văn Hoàng bảo, sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước là động lực để gia đình ông hiến đất, bỏ 70 triệu đồng làm bằng được tuyến đường này.
Giao thông thông suốt sẽ mở ra hướng phát triển mới. Vậy nên Chiêu Yên đã dồn sức bê tông hóa đường làng, đường vào khu sản xuất và nội đồng. Cán bộ Địa chính - Xây dựng xã Chiêu Yên Trần Thị Tuyên khẳng định: Từ chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh, xã đã làm được trên 34 km đường bê tông các loại. Riêng từ năm 2021 đến nay xã đã làm được trên 14 km đường thôn, đường nội đồng. Đường mới mở rộng 5m, trong đó 3,5 m mặt đường trải bê tông. Hiện xã đã "phủ sóng" đường bê tông đến tất cả các thôn, bản, ngõ xóm.
Nhà văn hóa 2 thôn Hùng Dũng, Hùng Tiến, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với diện tích 300m2, 180 chỗ ngồi. Giá trị dự toán xây dựng gần 700 triệu đồng/nhà văn hóa. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng/nhà văn hóa, còn lại nhân dân đóng góp.
Ban Công tác Mặt trận khu dân cư, trưởng thôn và những người có uy tín của thôn đã phối hợp vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia đóng góp kinh phí để xây dựng với mức đóng góp từ 2,3 đến 2,8 triệu đồng/hộ. Trưởng thôn Hùng Dũng Ma Văn Hòa cho biết, nguồn hỗ trợ của Nhà nước là động lực để người dân quyết tâm xây dựng nhà văn hóa thôn. Sau hơn 4 tháng tổ chức thi công, nhà văn hóa thôn đã hoàn thành.
Sau thời gian ngắn triển khai quyết liệt các giải pháp, xã Hùng Mỹ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng tốc, tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023.
Với phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" nhiều vùng nông thôn của tỉnh đã "khoác áo mới", là đòn bẩy đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết