Dám nghĩ, dám làm
Giữa cái nắng cháy da của ngày hè tháng 6, chúng tôi được Bí thư Đoàn xã Trung Hà Quan Thị Hiền dẫn đi thăm các thủ lĩnh thanh niên, đoàn viên tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế giỏi của xã. Đi trên con đường làng nhỏ hẹp với nhiều dốc cao, có đoạn cua gấp khúc, cuối cùng chúng tôi cũng đến được trang trại của Bí thư Chi đoàn thôn Khuôn Pồng 2 Ma Văn Dự.
Dạo một vòng trang trại, chúng tôi cảm nhận mùi hương rừng thoang thoảng, hít hà luồng gió trong lành, mát dịu. Trang trại của anh Dự ngót chục ha, được thiết kế từng khu riêng biệt, đồi dốc trồng cây keo, xoan, khu đất bằng trồng các loại cây ăn quả như vải thiều, chanh, mít và cỏ voi để chăn nuôi, dưới khu trũng anh đào ao nuôi cá. Bốn bề trang trại được rào bằng dây thép gai để chăn thả gia súc.
Bí thư Đoàn xã Quan Thị Hiền thăm vườn rừng đã đến tuổi khai thác...
...và mô hình chăn nuôi trâu sinh sản của đoàn viên Ma Văn Dự, thôn Khuôn Pồng 2.
Anh Dự bảo, ngay từ nhỏ, tình yêu đất, yêu cây đã thấm sâu trong máu thịt anh. Bởi vậy, học xong lớp 9, anh xin nghỉ bắt tay luôn vào hiện thực khát vọng làm giàu trên mảnh đất cha mẹ mình đã khai hoang, phục hóa. Toàn bộ diện tích đất đồi, anh bàn với bố mẹ đưa cây cam vào trồng. Tuy nhiên, cam lúc mới trồng thì xanh tốt lắm, nhưng do không hợp đất nên cam chỉ được thu quả 1-2 năm đầu thì tự lụi. Quyết chinh phục mảnh đất khó tính này, anh chuyển hết diện tích trồng cam kém hiệu quả sang trồng keo, xoan. Vườn cây 7 ha hiện đã đến kỳ khai thác nhưng anh Dự vẫn chưa muốn bán, bởi anh còn đang phải tính, tiền bán cây để làm gì rồi mới bán được...
Lấy ngắn nuôi dài, trong lúc chờ cây lớn, anh chọn mô hình chăn nuôi trâu sinh sản, vỗ béo phát triển kinh tế chính. 5 năm trở lại đây, bình quân trong chuồng của anh Dự luôn có 20 con trâu to, nhỏ. Ngoài ra, anh còn gửi thêm trâu cái cho một số hộ dân trong thôn nuôi để ăn chia. Với hình thức chăn thả khép kín trong trang trại kết hợp cho ăn thêm cỏ, mỗi ngày nhà anh chỉ mất một người chăm đàn trâu. Chẳng những trồng rừng, chăm trâu giỏi, vợ chồng anh Dự còn buôn bán cửa hàng tạp hóa. Mô hình của anh Dự cho thu trên 200 triệu đồng/năm.
Rời mô hình của anh Dự, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ốc nhồi của đoàn viên Ma Văn Nay, thôn Nà Đao. Nhanh tay nhặt các ổ trứng trắng tinh đang bám chặt trên bờ ao đưa lên rá, anh Nay cho biết, trước kia, mấy cái ao này đều chăn nuôi cá theo kiểu tự cung tự cấp. Một lần đi chơi ở xã bạn, thấy người dân ở đây nuôi ốc nhồi bán được giá cao, trong khi thị trường cung luôn không đủ cầu. Năm 2019, anh xách túi đi nhiều trang trại học hỏi cách nuôi con ốc nhồi. Sau một thời gian tìm hiểu, anh quyết định bỏ gần 20 chục triệu đồng cải tạo lại ao, mua ốc giống về nuôi thử. Vừa nuôi, vừa học hỏi kỹ thuật trên Internet, tài liệu, đàn ốc của anh luôn sinh trưởng tốt. Bình quân mỗi ngày anh thu từ 2 đến 3 kg trứng ốc. Với giá bán rẻ nhất như hiện nay, mỗi ngày anh cũng thu ngót 1 triệu đồng. Nuôi ốc lãi cao, chi phí nuôi rất ít, vậy nên, năm 2021, anh thuê máy xúc mở rộng diện tích ao, tăng thêm đàn ốc giống.
Anh Nay chia sẻ: “Ở nông thôn luôn sẵn các phụ phẩm rau, củ, quả, rất thích hợp nuôi ốc nhồi. Nhờ những ao ốc này, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định”.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều Bí thư Chi đoàn, đoàn viên năng động, dám nghĩ, dám làm trên địa bàn xã. Ngoài ra, còn nhiều mô hình phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây dược liệu, du lịch cộng đồng… của đoàn viên thanh niên đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để vươn lên làm giàu.
Mỗi năm, đoàn viên Ma Văn Nay, thôn Nà Đao có thu nhập gần 200 triệu đồng từ nuôi ốc nhồi.
Lan tỏa nghị lực làm giàu
Theo Bí thư Đoàn xã Quan Thị Hiền, hiện nay, toàn xã có khoảng 10 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ, có mức thu nhập từ 80-100 triệu đồng/năm. Nhằm hỗ trợ đoàn viên lập thân, lập nghiệp, hàng năm, Đoàn xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, học tập các mô hình kinh tế có hiệu quả, khai thác các nguồn vốn ưu đãi cho đoàn viên vay phát triển kinh tế...
Đặc biệt, Đoàn xã đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên phát triển kinh tế, Bí thư Chi đoàn làm kinh tế giỏi... Các CLB chính là cầu nối hỗ trợ đoàn viên thanh niên kỹ thuật, vốn, đầu ra sản phẩm để đoàn viên thanh niên không đơn độc trong quá trình lập nghiệp. Đây cũng là nơi các thành viên sẻ chia kinh nghiệm, tìm hướng làm ăn hiệu quả, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Sự thành công của các mô hình kinh tế trong các CLB thanh niên đã và đang có sức lan tỏa, tạo nên phong trào thanh niên thi đua làm giàu, phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục lao động nông thôn. Tiêu biểu như mô hình in, quảng cáo của Bí thư Chi đoàn thôn Nông Tiến 2 Nông Văn Hồi; mô hình trồng cây dược liệu của Bí thư Chi đoàn thôn Khuổi Đinh Triệu Văn Lịch; mô hình nuôi trâu sinh sản, nuôi giun quế của đoàn viên Nguyễn Văn Trường, thôn Nông Tiến 2; mô hình dịch vụ taxi, quán trà chanh của Bí thư Chi đoàn thôn Nông Tiến 1 Ma Doãn Cầu...
Anh Bàn Càn Thắng, Bí thư Chi đoàn thôn Khuổi Hỏi là một trong những cán bộ đoàn làm kinh tế giỏi của Đoàn xã Trung Hà. Anh Thắng chia sẻ: “Gia đình tôi trồng hơn 1,2 ha cam sành, bình quân mỗi năm doanh thu cam đạt trên 100 triệu đồng. Qua các buổi sinh hoạt CLB Bí thư Chi đoàn làm kinh tế giỏi, chúng tôi chia sẻ, hỗ trợ nhau về kỹ thuật nuôi, trồng, chăm sóc, phát triển mô hình kinh tế; kỹ năng, kinh nghiệm sinh hoạt chi đoàn, thu hút tập hợp đoàn viên thanh niên. Những kinh nghiệm sẻ chia của các thành viên thực sự bổ ích đối với tôi”.
Bí thư Đoàn xã Trung Hà phấn khởi bảo rằng, tuổi trẻ Trung Hà giờ đây luôn khát vọng lập thân lập nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng tạo cho Trung Hà sức bật mới trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết