Một bệnh nhân đậu mùa khỉ đang được bôi thuốc lên da. Ảnh Reuters. |
Chính phủ Nhật Bản mới đây tuyên bố tặng hơn 3,05 triệu liều vaccine đậu mùa khỉ LC16m8 cùng với kim tiêm chuyên dụng được phát triển bởi công ty KM Biologics từ kho dự trữ quốc gia cho Cộng hòa Dân chủ Congo. Đây là gói tài trợ lớn nhất được công bố cho đến nay để ứng phó với tình trạng khẩn cấp bệnh đậu mùa khỉ hiện tại.
Tiến sĩ Yukiko Nakatani, Trợ lý Tổng giám đốc WHO về Tiếp cận Thuốc và sản phẩm y tế, cho biết: "Việc WHO đưa vaccine LC16m8 chống lại bệnh đậu mùa khỉ vào danh sách sử dụng khẩn cấp đánh dấu một bước tiến quan trọng trong phản ứng của chúng tôi đối với tình trạng khẩn cấp hiện tại, cung cấp một lựa chọn mới để bảo vệ mọi nhóm dân số, bao gồm cả trẻ em".
Tháng trước WHO đã phê duyệt sử dụng Jynneos-vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ, của hãng dược phẩm Bavarian Nordic (Đan Mạch) cho thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi. Đây là nhóm đối tượng được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự bùng phát của căn bệnh đang gây ra mối lo ngại toàn cầu.
Vào đầu tuần trước, vaccine LC16m8 của Nhật Bản đã được WHO chấp thuận khẩn cấp và Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đã chấp thuận vào tháng 6 vừa qua. Nhưng các công ty bảo hiểm của nhà sản xuất vaccine cho biết họ không chi trả cho những khiếu kiện về tác dụng phụ đối với các loại vaccine được sự chấp thuận nhanh chóng như vậy.
Cộng hòa Dân chủ Congo và Nhật Bản đã mất thời thời gian để đàm phán về một vấn đề quan tâm chung: ai sẽ bồi thường tiền nếu như vaccine có tác dụng phụ không mong muốn xảy ra. Congo cho biết, vấn đề hiện đã được giải quyết.
Bộ trưởng Y tế Congo Samuel Roger Kamba Mulamba phát biểu trong một cuộc họp báo ở thủ đô Kinshasa đầu tháng này, cho biết: “Khi tôi đọc hợp đồng (tặng), tôi đã nói thêm rằng, cả hai nước đều phải chịu trách nhiệm nếu bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra. Đó là lý do tại sao phải mất nhiều thời gian như vậy, vì đã được chuyển trở lại Nhật Bản. Bây giờ "mọi thủ tục đã hoàn tất".
Nếu không có các điều khoản rõ ràng, chính phủ các nước nghèo hơn lo bị bỏ mặc cho các khiếu kiện. Chính phủ các nhà tài trợ thường cũng không muốn như vậy. Vấn đề có thể chi trả số tiền lớn trong trường hợp xảy ra những sự cố không mong muốn, cần phải ký một thỏa thuận về việc ai chịu trách nhiệm trước khi có thể vận chuyển vaccine.
Những lo ngại tương tự cũng đã làm trì hoãn các chương trình tiêm chủng trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Đầu tháng này, chính phủ Nhật Bản cho biết, hiện tại không có bất đồng nào về trách nhiệm pháp lý, các cuộc thảo luận về việc giao hàng vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, KM Biologics, công ty Nhật Bản sản xuất vaccine, đã từ chối đưa ra bình luận.
Các chuyên gia y tế toàn cầu và đại diện ngành cho biết, cần phải thiết lập một hệ thống tốt hơn trước các đợt bùng phát dịch lớn để giải quyết vấn đề trách nhiệm pháp lý.
Paula Barbosa, phó giám đốc chính sách vaccine tại Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA), cho biết: “Trong thời kỳ đại dịch, các hệ thống bồi thường không có lỗi được thiết kế tốt là điều cần thiết”.
Các quan chức y tế châu Phi cho biết, loại vaccine khác đang được sử dụng cho người lớn, do Bavarian Nordic (Đan Mạch) phát triển, đã nhận được sự chấp thuận đầy đủ hơn về mặt pháp lý. Khoảng 3 triệu liều vaccine này đã được các chính phủ bao gồm Mỹ cam kết cung cấp cho Cộng hòa Dân chủ Congo, khoảng 375.000 liều đã chuyển đến nước này, nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu.
Các quan chức y tế tại Congo và quốc tế cho biết, đây cũng có thể là một vấn đề đối với hoạt động quyên góp vaccine của Nhật Bản cho trẻ em, mặc dù nhu cầu này rất cấp bách do trẻ em chiếm phần lớn trong số hơn 1.100 ca tử vong nghi ngờ do bệnh đậu mùa khỉ gây ra ở châu Phi trong năm nay.
Một bác sĩ Congo cho biết: "Điều quan trọng là những loại vaccine này phải được chuyển đến nhanh chóng". Trước khi đưa vào tiêm chủng rộng rãi cần phải có các cuộc thử nghiệm về cách tiêm vaccine và một kế hoạch đưa vaccine về đâu hiệu quả nhất. Việc tiêm vaccine LC16m8 đòi hỏi nhân viên y tế phải được đào tạo, hướng dẫn.
Chính phủ Nhật Bản hôm qua cho biết họ đang "xử lý và phối hợp để giải quyết những vấn đề này" mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Theo số liệu mới nhất của WHO, đã có hơn 50.500 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và nghi ngờ ở châu Phi trong năm nay, và hơn 1.100 ca tử vong.
Gửi phản hồi
In bài viết