Liên hợp quốc cho biết việc công nhận chính quyền Taliban là gần như không thể thực hiện được trong khi các lệnh cấm về giáo dục và việc làm cho phụ nữ vẫn được áp dụng.
Ảnh: Arabnews
Hội nghị kéo dài hai ngày (30-6 đến 1-7) là hội nghị thứ ba do Liên hợp quốc bảo trợ về cuộc khủng hoảng Afghanistan tại thủ đô Doha của Qatar. Trước đó, Taliban đã vắng mặt tại cả 2 kỳ hội nghị lần lượt diễn ra hồi tháng 5-2023 và tháng 2-2024.
Được Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khởi xướng vào tháng 5-2023, các kỳ hội nghị nêu trên nhằm mục đích “tăng cường sự can dự của cộng đồng quốc tế với Afghanistan một cách chặt chẽ, nhịp nhàng và có tổ chức hơn”.
Zabihullah Mujahid, người phát ngôn chính của chính quyền Taliban và là người dẫn đầu phái đoàn, đã viết trên mạng xã hội X rằng phái đoàn đã gặp gỡ đại diện từ các quốc gia bao gồm Nga, Ấn Độ và Uzbekistan bên lề hội nghị.
Taliban không được mời tham dự hội nghị đầu tiên, và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết lực lượng này đã đặt ra những điều kiện không thể chấp nhận được để tham dự cuộc họp thứ hai vào tháng 2, bao gồm yêu cầu loại trừ các thành viên xã hội dân sự Afghanistan khỏi các cuộc đàm phán và coi Taliban là những người nắm quyền hợp pháp của đất nước. Taliban nắm quyền vào tháng 8 -2021 khi lực lượng Mỹ và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân khỏi Afghanistan sau hai thập kỷ chiến tranh.
Đến nay không có quốc gia nào chính thức công nhận chính quyền Taliban và Liên hợp quốc tuyên bố việc công nhận này gần như là không thể trong khi lệnh cấm giáo dục và việc làm cho phụ nữ vẫn được áp dụng.
Hôm 29-6, tại thủ đô Kabul, người phát ngôn Mujahid chia sẻ với giới báo chí rằng phái đoàn sẽ tới Doha “để tìm kiếm sự hiểu biết và giải quyết các vấn đề”.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước không bỏ rơi người dân Afghanistan trong thời điểm khó khăn và tích cực tham gia vào công cuộc tái thiết và củng cố kinh tế của Afghanistan", ông nói.
Ông Mujahid cho biết trong hội nghị thứ ba, phái đoàn Taliban sẽ thảo luận các vấn đề bao gồm các hạn chế quốc tế áp đặt lên hệ thống tài chính và ngân hàng của Afghanistan, những thách thức trong việc phát triển khu vực tư nhân và các hành động của chính phủ trong việc chống buôn bán ma túy .
Trước đó, Liên hợp quốc đã đồng ý với yêu cầu của Taliban về việc không cho phụ nữ Afghanistan tham gia hội nghị ở Doha và loại bỏ thảo luận về bình đẳng giới khỏi chương trình nghị sự. Diễn biến mới nhất dường như là một phần trong nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm thuyết phục Taliban tham dự sự kiện để thảo luận về cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế đối với Afghanistan.
Tuy nhiên, quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc tại Afghanistan, Roza Otunbayeva, đã lên án việc không đưa phụ nữ Afghanistan tham gia hội nghị này, đồng thời nhấn mạnh rằng các yêu cầu về quyền của phụ nữ chắc chắn sẽ được nêu lên.
Gửi phản hồi
In bài viết