Tám kỷ lục thế giới được xác lập trên đường đua xanh

Các vận động viên (VĐV) bơi đã xác lập tám kỷ lục thế giới, ba kỷ lục Thế vận hội trong ngày thi đấu thứ sáu của Paralympic Tokyo 2020. Đoàn Trung Quốc đang dẫn đầu bảng xếp hạng thành tích tiếp tục có thêm chín Huy chương vàng (HCV), nâng tổng số HCV lên con số 54, hơn đoàn xếp thứ hai là Anh tới 28 HCV. Trong ngày thi đấu hôm qua, đoàn Nga (trung lập) có thêm bốn HCV, vượt qua đoàn Mỹ để giành vị trí thứ ba.

VĐV Rogier Dorsman (Hà Lan) lập kỷ lục thế giới bơi 200 m hỗn hợp nam hạng SM11. Ảnh: netherlandsnewslive.com

Điểm nhấn của ngày thi đấu hôm qua là những kỷ lục được thiết lập trên đường đua xanh với 15 HCV được trao cùng tám kỷ lục thế giới và ba kỷ lục Thế vận hội, trong đó riêng đội tuyển bơi Trung Quốc xác lập ba kỷ lục thế giới. 

Mở hàng cho đội tuyển bơi Trung Quốc là ở nội dung 50 m bơi ngửa nam hạng S5 khi VĐV Zeng Tao đoạt HCV và vượt qua kỷ lục thế giới của chính mình với thành tích 31 giây 42,  trong khi hai đồng đội của anh là Jingsong và Wang Lichao giành hai HCB và HCĐ. 

Tiếp theo, “kình ngư” Lu Dong phá kỷ lục thế giới với 37 giây 18, vô địch nội dung 50 m bơi ngửa nữ S5, hơn một giây so với kỷ lục thế giới cũ. Một nữ VĐV khác là Ma Jia cũng vô địch bơi hỗn hợp 200 m nữ hạng SM11 với 2 phút 42 giây 14 và lập kỷ lục thế giới.

Đáng chú ý là “kình ngư” mới 16 tuổi Jiang Yuyan đã trở thành VĐV Trung Quốc trẻ nhất giành HCV khi lần đầu dự Thế vận hội và về nhất ở nội dung 50 m bướm nữ hạng S6 - thành tích 34 giây 69. 

Bên cạnh các kỷ lục của đội bơi Trung Quốc, môn bơi cũng ghi nhận các kỷ lục thế giới khác:  VĐV Andrii Trusov của Ukraine, phá kỷ lục thế giới bơi 100 m ngửa nam hạng thương tật S7 với 1 phút 8 giây 14. Ngoài HCV ở nội dung này, anh còn đoạt hai HCB ở nội dung bơi tiếp sức 4 x 100 m tự do nam hạng SM7 và 400 m tự do nam S7. 

Với thời gian 2 phút 44 giây 84, “kình ngư” Ami Omer Dadaon của Israel phá kỷ lục thế giới của chính mình đã lập cách đó sáu tháng ở nội dung 200 m tự do nam S4. VĐV người Hà Lan Rogier Dorsman cũng vượt qua kỷ lục thế giới của mình ở nội dung 200 m bơi hỗn hợp nam SM11 với thời gian 2 phút 19 giây 02. Một VĐV của Belarus là Ihar Boki cũng giành HCV thứ năm của mình qua các kỳ Paralympic ở nội dung bơi 200 m hỗn hợp nam hạng SM13 với thời gian kỷ lục thế giới 2 phút 2 giây 70. Đội bơi tiếp sức 4 x 100 m nam của Australia lập kỷ lục thế giới với thời gian 3 phút 44 giây 31.

Đoàn Ấn Độ có được HCV đầu tiên sau sáu ngày thi đấu do xạ thủ Avani Lekhara lập công. Lekhara là cô gái Ấn Độ đầu tiên giành HCV ở môn bắn súng Paralympic. Cô gái 19 tuổi đã có màn ra mắt như trong mơ khi ghi được 249,6 điểm để cân bằng kỷ lục thế giới sau loạt chung kết nội dung 10 m súng trường hơi nữ hạng R2 SH1, đánh bại xạ thủ đương kim vô địch Paralympic Zhang Cuiping của Trung Quốc, người nhận HCB với điểm số là 248,9. 

Tấm HCV của Lekhara là vô cùng giá trị đối với đoàn Ấn Độ bởi các VĐV của họ đều phải tự tập luyện ở nhà trong suốt 18 tháng qua do đại dịch Covid-19 và tất cả các địa điểm tập luyện đều bị đóng cửa hoàn toàn.  
  
Thi đấu trên sân vận động Olympic quốc gia Tokyo, VĐV Dinesh Priyantha của Sri Lanka lập kỷ lục thế giới mới môn ném lao nam hạng F46 và mang về cho nước này HCV đầu tiên trong lịch sử. VĐV 35 tuổi này đã có mức ném lao xa 67,79 m trong lần thử thứ ba, phá kỷ lục thế giới trước đó do Devendra của Ấn Độ thiết lập ở mức 64,35 m. 

Mặc dù đây là một thành tích lịch sử đối với tất cả người dân Sri Lanka, nhưng có một người mà Dinesh Priyantha muốn dành tặng tấm HCV này là vợ của anh: “Tôi có ba đứa con, đứa út mới tám tháng tuổi và vợ tôi chăm sóc tất cả để tôi có thời gian tự do tập luyện, thi đấu”. Dinesh Priyantha đã phục vụ trong quân đội cho đến khi bị thương ở tay trong cuộc nội chiến ở Sri Lanka  và phải điều trị bốn năm trong bệnh viện.

Hôm qua, đã có tám HCV được trao cho các nội dung ở môn điền kinh, nổi bật là các kỷ lục thế giới do VĐV Monica Olivia Rodriguez Saavedra của Mexico xác lập ở nội dung 1.500 m nữ hạng T11 với thành tích 4 phút 37 giây 40, nhanh hơn một giây so với kỷ lục cũ. Một kỷ lục thế giới khác cũng bị VĐV Francisca Mardones Sepulveda của Chile phá ở nội dung ném bóng nữ hạng thương tật F54 với độ xa 8 m 33. 

Ngôi vô địch bóng bàn được trao ở các nội dung đơn nữ lớp 9 và hạng 10 cho hai VĐV của Australia là Lei Li Na và Yang Qian. Một VĐV của Ukraine là Maryna Lytovchenko đoạt HCV đơn nữ hạng 6, trong khi tay vợt Kelly van Zon của Hà Lan vô địch nữ lớp 7. Tay vợt Zhao Suai của Trung Quốc giành HCV Paralympic thứ ba liên tiếp ở nội dung đơn nam hạng 8, còn Fabien Lamiraul của Pháp đã bảo vệ thành công ngôi vô địch bóng bàn đơn nam hạng 2.
  
Ngày 30/8, hai VĐV bơi của Việt Nam là Trịnh Thị Bích Như và Võ Thanh Tùng thi đấu ở nội dung 50 m bơi bướm nữ hạng S6 và 50 m ngửa nam hạng S5. Tuy nhiên, hai VĐV nước ta đều thi đấu không thành công, Bích Như về đích thứ 7/7 với thời gian 42 giây 60, còn Thanh Tùng xếp hạng 5/7 với thời gian 40 giây 07.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục