Ngày xưa, bà là cán bộ huyện, được phân cho một căn nhà trong khu tập thể, tuy nhỏ nhưng có cả bếp và khu đất trống phía sau. Sau mỗi ngày đi làm về, bà lại ra đó cuốc xới, vun vén thành từng luống đất để trồng rau ăn. Ngày đầu khu đất um tùm cỏ mọc, nhưng dưới bàn tay bà, chỉ sau vài ngày cỏ được dẹp vào chân rào, nhường chỗ cho màu đất. Và cũng chỉ khoảng một tuần sau, màu xanh bắt đầu hiện lên trên đám đất đó, ngăn nắp từng luống, từng hàng. Khoảnh đất hình chữ nhật to nhất, bà trồng rau lang cho lợn, vài ô nhỏ hơn bà trồng rau muống, mùng tơi. Ở góc vườn, rau mùi tàu, rau húng, hành, mỗi loại được trồng trong một ô nhỏ. Giữa vườn rau là những lối đi có thể đến tận nơi hái các loại rau. Mỗi lần nấu cơm, anh em tôi chỉ cần men theo các lối đó là dễ dàng hái được thứ rau mình thích ăn. Nhắm mắt chúng tôi cũng có thể nhớ từng vị trí của các loại rau trong vườn. Sau này, trên nền những luống đó, bà nhổ đi và luôn phiên trồng các loại ra khác nhau.
Trước đây tôi quen một người làm trong ngành xây dựng ở Đà Nẵng. Khi tôi khen Khu trung tâm hành chính của thành phố quy củ, ông bảo, công trình này cũng có lời ra tiếng vào, nào là thiết kế tạo ra hiệu ứng nhà kính, nào là thiếu không khí tươi, rồi không hợp với giao dịch của người dân...Nhưng khi đưa vào vận hành, đến nay mọi thứ vẫn đâu vào đó, chắc thời đó dân ta chưa quen. Thành phố đất chật người đông mà mọi cơ quan đều tập trung một chỗ thì thuận tiện cho việc đi lại giao dịch, nhất là đối với người dân. Ông bảo, bố trí sắp xếp trụ sở cơ quan hành chính cũng như trồng rau, nhóm nào ra nhóm đấy, rau làm canh riêng, rau làm gia vị riêng, dễ tưới tắm, chăm sóc, thu hoạch. Tôi thấy cái sự ví von của ông thật dễ hiểu, nó cũng giống như việc mẹ tôi trồng rau ở nhà.
Thực tế ở nhiều địa phương hiện nay, trừ các trung tâm hành chính cấp huyện hầu hết được quy hoạch tập trung, còn các trụ sở cơ quan cấp tỉnh vì lý do thiếu quỹ đất hoặc lịch sử để lại mà mỗi cơ quan được được “cắm” ở một nơi, chưa có liên kết tổng thể, chưa có bản sắc xứng tầm, chưa bắt kịp xu thế, còn mang tính tự phát. Bất hợp lý nhất là những cơ quan có mối liên hệ mật thiết với nhau nhưng lại xa nhau về vị trí. Vì thế mới xảy ra chuyện người dân phàn nàn rằng đi làm thủ tục phải đến đầu thành phố xin xác nhận của một cơ quan này, chạy đến cuối thành phố xin xác nhận của cơ quan khác, rồi lại phải đến phòng công chứng ở một địa điểm khác mới hoàn thành được thủ tục…Có những địa phương rất khó xác định được khu vực nào là trung tâm.
Tìm hiểu về xây dựng, quản lý các trung tâm hành chính của một số nước phát triển, thậm chí một số địa phương trong nước, có xu hướng hình thành trung tâm hành chính, có nơi xây dựng thành một một tổ hợp, có nơi quy hoạch thành khu vực riêng, rất thuận tiện. Ngoài vai trò là trụ sở cơ quan, các công trình hoặc tổ hợp đó còn là biểu tượng văn hóa của địa phương hoặc tác phẩm kiến trúc. Đặc biệt, trung tâm hành chính phải là một không gian công cộng, không gian mở để mọi công dân đều tiếp cận dễ dàng, tiết kiệm đất đai, thời gian, năng lượng…Những mô hình ấy không chỉ thể hiện tính khoa học trong tổ chức quản lý hành chính mà còn thể hiện tính nhân văn khi tạo cơ hội kết nối giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.
Thực hiện quy hoạch trên cơ sở cũ là điều không dễ dàng đối với nhiều địa phương vì còn phải phụ thuộc vào điều kiện về kinh tế, vị trí địa lý, phong tục tập quán… Vậy nên rất cần tầm nhìn xa, trông rộng của người làm quy hoạch, nhất là khi phải thực hiện quy hoạch “sửa” trên nền cũ.
Câu chuyện phân luống trồng rau là cũng là góc nhìn thu nhỏ về quy hoạch. Theo đó, ngoài việc bổ sung “luống” mới thì cần phải sửa dần các “luống” cũ để hoàn thiện tổng thể, làm nền móng, đồng thời tính toán đến sự phù hợp cho những thay đổi trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết