Tâm sự của người lao động Tuyên Quang ở Bắc Giang, Bắc Ninh

- Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều địa phương trên cả nước, nhất là tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, nơi có nhiều khu công nghiệp lớn với hàng trăm nghìn người lao động, trong đó, có hàng nghìn lao động của Tuyên Quang đang làm việc. Vì vậy, thời gian này, nhiều công nhân phải chấp nhận sống không lương, hưởng trợ cấp để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Trước làn sóng dịch Covid-19 bùng phát, đêm 17-5, UBND tỉnh Bắc Giang có quyết định về việc tạm dừng hoạt động các khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng và cách ly xã hội huyện Việt Yên, 3 xã (Nội Hoàng, Tiền Phong và Yên Lư) của huyện Yên Dũng. 3 ngày sau đó, tỉnh Bắc Ninh cũng đã áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn bộ huyện Quế Võ. 

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Vợ chồng chị Hà Thị Hưng, quê ở Chiêm Hóa là công nhân tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh). Anh chị đi làm xa nhiều năm nay, con nhỏ nhờ bố mẹ, gia đình trông giúp để yên tâm lao động. Từ khi có lệnh phong tỏa, vợ chồng chị thực hiện theo đúng khuyến cáo, chỉ ở tại phòng, không ra ngoài. Những nhu yếu phẩm cần thiết được chủ phòng trọ mua giúp, một phần khác từ các nhà hảo tâm, đủ để sống trong những ngày phong tỏa. 

Công ty chị cũng hỗ trợ 70% lương cho công nhân khu vực bị phong tỏa, thế nhưng sau 14 ngày cách ly, anh chị vẫn chưa được phép đi làm trở lại. “Về được thì về thôi, chứ ở đây có gì mà làm”, chị Hương bộc bạch. Nếu sau khi hết cách ly công ty vẫn cho nghỉ thì anh chị chẳng có nguồn thu nào thêm. 

Trong lúc cách ly, nghe tin bố bị tai nạn gãy chân mà không về thăm nom được, chị Hưng nghẹn ngào: “Đấy, bố tôi bị vậy mà cũng chẳng về thăm được”, nhưng chị hiểu nếu về sẽ phải cách ly 21 ngày, lại không biết bản thân có bệnh không, ảnh hưởng đến gia đình và cộng đồng. Trước dịch, tháng nào anh chị cũng về quê thăm con, nên giờ nhớ con lắm. Ngày quốc tế thiếu nhi chị gọi cho con, thằng bé dỗi vì bố mẹ không về, thương con chỉ mong mau qua dịch để về bù đắp cho nó", chị tâm sự.

Chị Hưng thường xuyên gọi điện động viên, an ủi con. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Cũng trong xóm trọ nhỏ, Nguyễn Thị Hà cùng quê đang làm tại Khu công nghiệp Quế Võ. “Lo nhiều lắm chị ạ, công việc bị xáo trộn và bị cắt giảm nhiều chế độ trong thời gian cách ly”, chị chia sẻ. Trong thời gian cách ly, nhu yếu phẩm mình tự lo hết, thỉnh thoảng thì có các nhà hảo tâm giúp đỡ một phần thực phẩm cho các công nhân bị cách ly. Chị Hà cũng như nhiều công nhân chỉ mong sớm hết dịch để được về quê về với gia đình.

Xe cộ xếp đầy xóm trọ do công nhân không thể đi làm. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Chị Tạ Thu Huyền, thôn Minh Thái, xã Minh Khương (Hàm Yên) làm công nhân Công ty Điện tử Samsung Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cũng vừa nhận thông báo công ty đã chuẩn bị chỗ ăn, ở để công nhân ở lại nhà máy làm việc nhằm phòng chống dịch Covid-19. Việc này bắt đầu thực hiện từ 0 giờ ngày 2/6. Theo đó, công nhân sẽ không được về phòng trọ hoặc nhà riêng trong vòng 14 ngày. Hỏi về khó khăn, chị Huyền bảo, công ty cung cấp đủ ba bữa ăn và sẽ có thêm một khoản trợ cấp nữa, “phúc lợi cho nhân viên thì họ chu đáo mà”.

Công nhân Khu công nghiệp Bắc Ninh được ăn, ở, làm việc tại chỗ để
phòng ngừa bị lây nhiễm Covid-19. Nguồn: VOV

Ai cũng muốn về...

Triệu Thị Hà, sinh năm 2000 quê ở thôn Xít Xa, xã Minh Khương (Hàm Yên) chỉ mới đi làm được 4 tháng. Hà là công nhân tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Em đang trải qua 35 ngày cách ly tại thôn Vân Cốc 3, xã Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Thôn Hà ở trọ nhận lệnh cách ly 14 ngày. Chưa hết thời gian cách ly thì nhận tin có công nhân tại Công ty TNHH ShinYoung dương tính nên phải cách ly thêm 21 ngày nữa. “Đã gần một tháng nay em chỉ ngồi nhà chờ tin tức và kết quả xét nghiệm, ai cũng muốn về chị ạ”, Hà bày tỏ.

Người trong thôn trở về sau khi xét nghiệm Covid-19 lần thứ 4. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Ngày nào Hà cũng gọi điện cho gia đình báo bình an, cô đã trải qua nhiều lần xét nghiệm âm tính, bố mẹ ở nhà cũng thường xuyên động viên “thôi cố gắng con ạ, hết dịch thì về sau”. Là con gái, lại ở một mình nên Hà cũng cảm thấy tủi thân. “Sắp tới em phải tiêm vắc-xin, người ta bảo sốt chị ạ, em lo lắm, ở một mình thế này biết làm sao”. Tôi chỉ biết khuyên Hà chuẩn bị sẵn thuốc, dặn bạn bè sống chung để ý điện thoại, nếu có sốt cao còn giúp đỡ nhau. Hà bảo người cùng quê xuống đi làm cũng đông, nên những lúc tủi thân nghĩ đến mọi người cũng đang đi làm như mình, hoàn cảnh như mình, em lại mạnh mẽ hơn phần nào.

Dù là trực tiếp ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng những công nhân người Tuyên Quang đang làm việc tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh vẫn thể hiện sự lạc quan. Triệu Thị Hà bảo: “Em chỉ mong mọi người khỏe mạnh, ai cũng cố gắng, gia đình không phải lo lắng gì". Trong khi đó, Thu Huyền dù rất nhớ nhà, nhưng cô luôn hy vọng: "Mọi người ở nhà bình an và mạnh khỏe, còn các bạn đang xa quê như mình thì hãy cùng nhau cố gắng, chung tay cùng đất nước vượt qua khó khăn này".

Niềm tin và hy vọng mà những người lao động xa quê muốn nhắn gửi đến gia đình, người thân cũng là mong muốn chung của rất nhiều người đã và đang phải xa gia đình, quê hương trong thời gian dịch bệnh này. 

Hoàng Lâm

Tin cùng chuyên mục