Tân An thoát nghèo từ trồng rừng

- Về xã Tân An (Chiêm Hóa), nhiều ngôi nhà xây cao tầng mọc lên khang trang. Những cánh rừng keo xanh bạt ngàn, ngút tầm mắt, hiện diện một màu no ấm.

Trồng rừng là nghề đã có từ lâu đời ở Tân An. Vài năm trở lại đây, trồng rừng phát triển đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiện nay, toàn xã có trên 2 nghìn ha rừng trồng sản xuất trong nhân dân, khoảng 1.400 ha rừng liên doanh với lâm trường. Bên cạnh đó, các xưởng sản xuất, chế biến gỗ cũng phát triển, hiện trên địa bàn xã có 6 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, tạo đầu ra ổn định cho người trồng rừng. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 19% với 294 hộ nghèo, thì đến nay giảm còn 15,58% với 239 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/người/năm. Đa số các hộ thoát nghèo từ trồng rừng.

Chị Linh Thị Mai, thôn Tân Bình chăm sóc keo của gia đình.

Gia đình chị Linh Thị Mai, dân tộc Tày, thôn Tân Bình trước đây là hộ nghèo. Nhà có 6 nhân khẩu nhưng chỉ có 2 sào ruộng. Anh chị phải đi làm thuê, làm mướn để trang trải cuộc sống. Từ khi được tuyên truyền, vận động trồng rừng và nhận chăm sóc rừng liên doanh với lâm trường, đến nay, gia đình chị đã có 2 ha rừng trồng sản xuất 6 năm tuổi và nhận 3 ha rừng trồng liên doanh với lâm trường.

Mỗi chu kỳ khai thác rừng trồng, gia đình chị thu lãi 80 triệu đồng/ha. Còn đối với diện tích rừng trồng liên doanh với lâm trường, mỗi chu lỳ khai thác, trừ chi phí, gia đình chị thu lãi gần 70 triệu đồng/ha. Có nguồn thu nhập khá từ rừng, anh chị không phải đi làm thuê, làm mướn bươn chải nhiều như trước đây. Gia đình chị cũng có kinh phí để làm nhà, nuôi các con ăn học và thoát nghèo năm 2021. Chị Mai cho biết: “Nhờ có rừng mà gia đình tôi có cuộc sống khấm khá như hôm nay, có tiền dành dụm”.

Ngôi nhà xây hai tầng của gia đình anh Nguyễn Văn Nghị, thôn Tân Bình có thể nói là ngôi nhà khang trang nhất thôn, xã. Anh Nghị phấn khởi cho biết, cơ ngơi đó là nhờ trồng rừng mang lại. Trước đây, gia đình anh Nghị là hộ nghèo, ở nhà tạm và chủ yếu đi làm thuê. Nhận thấy những giá trị kinh tế từ trồng rừng mang lại, gia đình anh đã đầu tư khâu thiết kế lại vườn đồi, cuốc hố, chọn giống keo tốt để trồng rừng.

Ngôi nhà xây khang trang của gia đình anh Nguyễn Văn Nghị, thôn Tân Bình.

Đến nay, anh Nghị có 2,5ha rừng trồng sản xuất của gia đình và nhận liên doanh trồng rừng với lâm trường là 1,4 ha. Đối với diện tích rừng trồng sản xuất gia đình anh đã khai thác được 2 chu kỳ, mỗi chu kỳ thu lãi 120 triệu đồng/ha. Đối với rừng trồng liên doanh, gia đình anh đã khai thác được 1 chu kỳ, số tiền thu về là 100 triệu đồng/ha. Năm 2021, gia đình anh Nghị thoát nghèo, có tiền xây nhà cao tầng. Anh Nghị cho biết: “Nếu như không trồng rừng gia đình tôi không biết khi nào mới thoát nghèo. Tôi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng nên đã có nhiều kinh nghiệm trong trồng rừng để nâng cao năng suất, sản lượng gỗ”.

Đồng chí Ma Doãn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết, hiện nay, trồng rừng đang được xác định là mũi nhọn kinh tế của xã vì đất đai, khí hậu ở Tân An rất thích hợp để trồng rừng. UBND xã đang tích cực tuyên truyền, định hướng để nhân dân chủ động về thời điểm khai thác rừng, đăng ký giống keo lai mô theo hỗ trợ của Nghị quyết số 03 HĐND tỉnh. Đồng thời hướng dẫn nhân dân bón phân vào những thời điểm thích hợp, nhằm tăng sản lượng, năng suất gỗ rừng trồng.

Bài, ảnh: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục