Mỗi tên làng, một câu chuyện
Nổi tiếng bậc nhất trong các thôn của Tuyên Quang, không thể không nhắc đến thôn Gà Luộc, xã Phúc Ninh (Yên Sơn).
Nhưng ít người biết, trước khi có tên Gà Luộc, thôn cũng mang nhiều tên khác như Rặng Cau, Tân Thái.
Cụ ông Đỗ Văn Đê, năm nay đã 74 tuổi nhớ lại, trước đây cả thôn trồng cau như hàng rào ranh giới giữa nhà với nhà, giữa nhà với đường đi lối lại. Dân làng khác quen gọi là thôn Rặng Cau. Sau này, thôn nhập với 3 thôn khác, lập thành tên Tân Thái. Rồi lại đổi tên thành Gà Luộc.
Có người già bảo, gọi tên Gà Luộc là bởi, sông Lô vốn dữ dằn, dòng nước chảy đến Gà Luộc thì đâm thẳng vào một ghềnh đá. Khúc sông tạo thành vực xoáy lớn, dân trong vùng gọi là "vật". Vực Gà Luộc là một trong những vực nguy hiểm nhất của sông Lô từ Hà Giang đến Đoan Hùng (Phú Thọ). Trước đây, lái buôn qua lại khu vực này bằng thuyền bè, đến vật này đều bị cuốn vào xoáy vỡ tan. Về sau, muốn qua lại khu vực này đều phải dừng bè, luộc con gà lên thắp hương ở đền, rồi bình an xuôi bè về xuôi.
Cũng có dị bản kể rằng, trước đây người chết trôi chết nổi từ thượng nguồn thường quẩn vào vực xoáy này. Ông lái Sáu - một người buôn gỗ trên sông Lô thầu bến này - đã vớt được nhiều người chết, quyết định lập một đền thờ ngay bên sông, tên gọi ban đầu là đền hai cô - thờ 2 người phụ nữ được ông vớt đầu tiên.
Tên thôn làng là một cách lưu giữ nguồn cội, văn hóa bản địa (Trong ảnh Người dân vui lễ hội Chợ Thụt, xã Phù Lưu, Hàm Yên).
Sau này, dân thuyền bè qua lại, thường luộc gà thắp hương khấn hai cô xin bình an thuận lợi. Đền dần đổi tên từ đền hai cô thành Đền Gà Luộc. Rồi trở thành tên làng lúc nào không hay.
Ông Đỗ Văn Đê bảo, giờ đi đâu, giới thiệu tên làng người ta cũng cười, cũng hỏi. Nhưng người làng thì tự hào lắm.
Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh Vũ Thành Trung cho biết, không chỉ Gà Luộc đâu, ở Phúc Ninh, tên thôn tên làng nào cũng đều có những câu chuyện mang theo bên mình. Như tên thôn Cầu Giát, là bởi trước con đường vào thôn lầy thụt, muốn qua lại phải lấy tre, nứa đan thành từng tấm giát đặt lên bùn mà đi. Như Ao Dăm, là bởi cả khu vực đều là ruộng thụt, trồng lúa không lên, trồng ngô không nổi, chỉ ném rau răm xuống lại lên tốt bời bời. Hay Ao Lươn, là do có vũng rất nhiều lươn sinh sống, con nào cũng béo mầm vàng óng… Từ đấy mà thành tên thôn.
Có những tên làng đã sinh ra từ thuở ông cha khai hoang lập nghiệp. Cũng có những cái tên, được "họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân", như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết.
Thôn Khánh Hùng, xã Hùng Đức (Hàm Yên) có lịch sử hơn 60 năm. Thôn đa phần là người dân ở Gia Khánh, Ninh Bình lên khai hoang, lập đất.
Ngày ấy, Khánh Hùng chỉ là vùng đất hoang. Người dân Gia Khánh lên cuốc đất, mở đường, trồng đủ thức cây để phủ lên vùng đất này sức sống mới. Ông Đinh Quốc Cương, một người cao niên trong làng kể lại, những người đầu tiên lên lập làng khi ấy cũng loay hoay không biết nên đặt tên thôn mới là gì. Sau nhiều cuộc bàn thảo, họ quyết định lấy một phần tên của quê hương Gia Khánh, ghép với một phần tên của vùng đất mới, lập ra tên thôn Khánh Hùng ngày nay.
Sau này, nhiều hộ dân ở Khánh Hùng tách ra, di chuyển sang vùng đất khác. Để đặt tên thôn mới, họ bảo nhau làng mới nghĩa là Tân, rồi ghép với chữ Hùng trong Hùng Đức. Thôn Tân Hùng được hình thành như thế.
Từ một thôn nghèo nhất xã Phúc Ninh (Yên Sơn), người dân Cầu Giát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên làm giàu.
Đến chuyện số hóa tên thôn
Chủ trương sắp xếp lại bộ máy hành chính tại địa phương những năm gần đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy. Thế nhưng, sau quá trình sáp nhập, nhiều tên thôn, làng gắn với người dân bao đời bị mất tên hoặc thay tên. Thôn, làng - từ là thành tố văn hóa để định danh một vùng đất - giờ được định danh bằng con số.
Xã Lượng Vượng (TP Tuyên Quang), sau sáp nhập các thôn, đã "số hóa" toàn bộ 11 thôn, thay cho Song Lĩnh, Cổ Ngựa, Đồng Lem, Cầu Đá, Gò Gianh... Theo lãnh đạo UBND xã Lưỡng Vượng, việc số hóa tên thôn, là để thuận lợi cho quá trình lên phường về sau này. Việc số hóa tên thôn đã được xã thống nhất, lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận từ phía người dân.
Tuy nhiên, với nhiều người, tên thôn, tên làng, đã gắn với mình từ khi sinh ra, vẫn được họ giữ lại trong tâm tưởng bằng nhiều cách khác nhau. Bà Phan Thị Bắc, thôn 10, xã Lưỡng Vượng bảo: Cái tên Song Lĩnh gắn với người dân từ bao đời nay. Đồng thuận với xã về việc thay đổi tên thôn để phù hợp với quá trình đô thị hóa, nhưng trong đám hiếu, đám hỉ, hay trong câu chuyện giới thiệu với khách, cái tên Song Lĩnh vẫn tồn tại, như một cách định danh bản sắc, văn hóa, con người. Đình làng Song Lĩnh, dẫu đổi tên, hay sáp nhập thôn bản, vẫn được bà con thống nhất giữ nguyên tên, để những người con đi xa tìm về.
Thôn Đồng Chãu, xã Trung Trực (Yên Sơn) giờ đã có tên mới: Thôn 3. Theo người làng, sở dĩ thôn có tên gọi là Đồng Chãu, là vì trước đây khu vực này nhiều chão chuộc. Mùa mưa, tiếng chão chuộc kêu vang khắp làng. Nhiều đến độ, thành tên thôn.
Không chỉ Đồng Chãu, Khuổi Lếch giờ cũng đã được đổi thành thôn 1. Ở Trung Trực, sau nhiều năm sắp xếp lại đơn vị hành chính, nhiều tên thôn cũ như Đồng Đình, Chín Chum, Khuôn Lịa, Đồng Quảng, Đồng Hon, Khuôn Sải dần được thay thế bằng tên thôn 1, 2, 3, 4, 5.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ma Văn Đức - tên thôn, tên làng, qua bao nhiêu thế hệ, như chiếc rễ ăn sâu vào tâm thức người làng chứ không phải là tên gọi hành chính đơn thuần. Việc đặt tên thôn, tên làng cũng là một cách nối kết tình cảm, giữ gìn truyền thống cha ông, truyền cảm hứng cho cộng đồng, cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Gửi phản hồi
In bài viết