Toàn cảnh Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong lần thứ 4. (Ảnh: THANH GIANG)
Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan Surasi Kittimonton cùng lãnh đạo và đại diện các Đối tác Đối thoại, Đối tác Phát triển, các tổ chức quốc tế, khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo tiến vào hội trường dự Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4. (Ảnh: THANH GIANG)
Tại Hội nghị, các nước đề cao vai trò của quan trọng của dòng sông Mekong, cũng như vai trò và đóng góp của Ủy hội sông Mekong trong nỗ lực bảo vệ, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Các nước khẳng định cam kết chính trị cao nhất đối với việc thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995, ủng hộ vai trò của Ủy hội là diễn đàn hợp tác hàng đầu về nước trong khu vực, đồng thời đề xuất các ưu tiên hợp tác, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng và triển khai các quy hoạch phát triển lưu vực, các dự án chung, tăng cường chia sẻ dữ liệu, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ người dân và cộng đồng trước những biến động của dòng sông.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò không thể thiếu của Ủy hội sông Mekong quốc tế, đề cao những thành tựu quan trọng đã đạt được, khẳng định giá trị lâu dài của Hiệp định Mekong năm 1995, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống của gần 70 triệu người dân trong Lưu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4. (Ảnh: NHẬT BẮC)
Bày tỏ lo ngại trước những thách thức chưa từng có đối với Lưu vực Mekong, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải đổi mới tư duy hợp tác và có những bước đi đột phá, và với tinh thần đó đưa ra những đề xuất về định hướng hợp tác của Ủy hội trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhất, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995, cũng như Bộ Quy chế sử dụng nước đã được xây dựng, đồng thời tập trung thực hiện tốt các kế hoạch, chiến lược của Ủy hội.
Thứ hai, mọi chính sách và hành động cần lấy con người làm trung tâm, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn lưu vực, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững của người dân, tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của mỗi cộng đồng trước những biến đổi nhanh chóng hiện nay; đồng thời tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở tiểu vùng sông Mekong.
Thứ ba, tăng cường sự phối kết hợp giữa Ủy hội và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác, trong đó phát huy vai trò là một trung tâm tri thức, cung cấp thông tin, dữ liệu, tư vấn cho các cơ chế hợp tác.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, kết nối và nâng cấp mạng lưới điện của vùng, qua đó góp phần phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ năm, thúc đẩy hợp tác giao thông thủy để tăng cường kết nối các nền kinh tế, thúc đẩy giao thương, đồng thời bảo đảm vận tải an toàn và có hiệu quả, không gây hại đến nguồn nước và môi trường sinh thái.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác với các đối tác để tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại, gắn kết hoạt động của Ủy hội với nỗ lực thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và các chương trình nghị sự quốc tế lớn khác.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác Mekong, đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động của Ủy hội một cách chủ động, tích cực và xây dựng nhằm góp phần thực hiện đầy đủ Hiệp định Mekong năm 1995, phát huy “tinh thần hợp tác Mekong”, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân các nước, lợi ích các quốc gia trong Lưu vực, giữa con người và thiên nhiên, giữa thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, và hiện thực hóa mục tiêu chung là phát triển bền vững Lưu vực sông Mekong, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone phát biểu tại Hội nghị cấp cao. (Ảnh: NHẬT BẮC)
Kết thúc Hội nghị, Trưởng đoàn các nước đã thông qua Tuyên bố chung - Tuyên bố Viêng Chăn nhằm tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của bốn quốc gia thành viên, các mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của Lưu vực sông Mekong cũng như xác định các trọng tâm hợp tác của Ủy hội trong thời gian tới.
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị cấp cao. (Ảnh: NHẬT BẮC)
* Sáng 5/4, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại Viêng Chăn, Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc ăn sáng làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chuyển lời thăm hỏi và lời chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Thủ tướng Sonexay Siphandone, Thủ tướng Hun Sen và các vị lãnh đạo cấp cao của Lào và Campuchia nhân dịp Tết cổ truyền hai nước.
Trong bầu không khí hữu nghị và thân mật, ba Thủ tướng đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế-xã hội gần đây của mỗi nước cũng như trao đổi về các lĩnh vực hợp tác giữa ba nước và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Ba Thủ tướng đánh giá cao việc cùng duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao thường xuyên trên tất cả các kênh, trong đó có hình thức gặp gỡ giữa ba Thủ tướng để không ngừng thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa ba nước; nhất trí cùng phối hợp triển khai các kết quả đạt được tại Cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Campuchia - Lào giữa ba nhà Lãnh đạo của ba Đảng tại Hà Nội (tháng 9/2021); đồng thời đánh giá cao việc tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022” và “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022”, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ mỗi nước về truyền thống quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.
Tại cuộc làm việc, ba Thủ tướng đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác kết nối ba nền kinh tế, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp ba nước; khuyến khích thương mại biên giới và phát huy hệ thống cửa khẩu trên đất liền giữa ba nước; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng pháp luật, quản lý và sử dụng hiệu quả viện trợ phát triển chính thức ODA.
Ba Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, sự phát triển nhanh chóng và những tác động sâu sắc của công nghệ số, mạng xã hội, ba nước cần tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực công nghệ thông tin.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone một lần nữa chúc mừng Campuchia đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và AIPA 2022 và tin tưởng chắc chắn rằng Campuchia sẽ tổ chức thành công SEA Games 32 và cuộc bầu cử Quốc hội khoá VII sắp tới.
Thủ tướng ba nước khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đóng góp vào việc duy trì, củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; nhất trí tăng cường gắn kết hợp tác tiểu vùng với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vì mục tiêu phát triển đồng đều, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển và đẩy mạnh kết nối ASEAN; hoan nghênh việc ba nước nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao Quốc hội ba nước lần đầu tiên tại Lào trong năm 2023 và tổ chức Hội nghị Cấp cao về Tam giác Phát triển CLV lần thứ 12 tại Campuchia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Sen tiếp tục khẳng định ủng hộ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2024.
Gửi phản hồi
In bài viết