Tăng cường sự tin cậy, gắn kết, cùng hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững

Chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thành công rất tốt đẹp với kết quả nổi bật là hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Tầm vóc quan hệ mới phản ánh sự phát triển mạnh mẽ và gắn kết chiến lược giữa hai nước sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại cuộc hội đàm ngày 21/11/2024. (Ảnh: TTXVN)

Giờ đây, mọi hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia được nâng lên một tầm cao mới trên cơ sở tin cậy, hiểu biết sâu sắc, tích cực ủng hộ lẫn nhau, phối hợp chặt chẽ tạo thêm sức mạnh cho hai nước để cùng bước vào giai đoạn phát triển mới.

Đồng hành phát triển kinh tế xanh, kinh tế số

Từ sân bay quốc tế Bunga Raya Complex, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được đưa tới Phủ Thủ tướng tại thành phố Putrajaya, Trung tâm hành chính của Malaysia, để cử hành Lễ đón chính thức Tổng Bí thư và Phu nhân sang thăm Malaysia. Trên đường đi, cảnh quan đô thị Putrajaya gây ấn tượng đặc biệt bởi không gian cây xanh, mặt nước trong lành, nên thơ đan xen khéo léo cùng các công trình hiện đại mang tính biểu tượng mới và các công trình theo kiến trúc Hồi giáo với mái vòm độc đáo.

Cách đây 30 năm, Putrajaya là vùng đất hoang sơ, cằn cỗi. Để “giảm tải” cho thủ đô Kuala Lumpur đã quá đông đúc, Chính phủ Malaysia kiến tạo nơi này thành trung tâm hành chính quốc gia và chuyển các cơ quan thuộc chính phủ về đây. Putrajaya ngày càng phát triển, không hề mang dáng vẻ khô khan, buồn tẻ mà thật sự sinh động, hấp dẫn, giàu bản sắc, thu hút rất đông khách du lịch tới thăm hằng năm.

Putrajaya còn được đánh giá là thành phố thông minh vào loại bậc nhất thế giới với không gian đô thị khoa học, kết nối linh hoạt các đô thị chung quanh; các tòa nhà văn phòng, công trình đô thị được thiết kế đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hầu hết được quản lý bằng các ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Trong khi nhiều thành phố trên thế giới đang phải ứng phó tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, những đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng không ngoại lệ, thì Putrajaya là hình mẫu đáng để học tập về giải “bài toán” đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Trong cuộc hội đàm, hội kiến các nhà lãnh đạo cao nhất của Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm luôn đánh giá cao sự phát triển năng động của Malaysia và tin tưởng vào sự thành công của chiến lược phát triển toàn diện trong giai đoạn mới, đặc biệt là “Kế hoạch kinh tế Madani - Trao quyền cho người dân” và “Kế hoạch tổng thể mới về công nghiệp năm 2030”.

Tổng Bí thư ấn tượng về tầm nhìn mới và các chiến lược phát triển dài hạn mang tính đột phá với mục tiêu, hoài bão lớn là trong 10 năm đưa Malaysia nằm trong nhóm 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhất là tầm nhìn phát triển các lĩnh vực kinh tế số, công nghiệp bán dẫn, khoa học-công nghệ, trong khi vẫn bảo đảm gìn giữ môi trường và an sinh xã hội, để Malaysia là một trong những “đầu tàu” khu vực về đổi mới, sáng tạo, các sản phẩm kỹ thuật cao và phát triển xanh.

Đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cho biết, Malaysia đang phát triển rất mạnh về công nghệ số, công nghệ xanh. Trong khi đó, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với những định hướng lớn, một trong những định hướng rất quan trọng về kinh tế là phát triển lực lượng sản xuất mới, đẩy mạnh phát triển công nghệ số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo.

Đây là những lĩnh vực mà hai bên có thể trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác nhằm bổ sung cho nhau, tạo thêm sức mạnh cho hai nước để bước vào giai đoạn phát triển mới của mỗi bên. Hiện nay, hai nước là đối tác kinh tế quan trọng của nhau.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Awang Azman Awang Pawi, nhà phân tích chính trị xã hội, Trường đại học Malaya (Malaysia), một trong những lĩnh vực mà Malaysia và Việt Nam đặc biệt mong muốn hợp tác là công nghệ cao và chuyển đổi kỹ thuật số.

Khi Malaysia bắt đầu hành trình trở thành trung tâm kinh tế kỹ thuật số, thành phố Putrajaya đã coi Việt Nam là đối tác có giá trị trong việc chia sẻ công nghệ và chuyên môn. Những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ và số hóa đã khiến Việt Nam trở thành đối tác lý tưởng của Malaysia, để cả hai quốc gia có thể cùng hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ và liên doanh.

Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia đã khẳng định, tăng cường gắn kết kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững. Thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế thông qua việc hợp tác và bổ trợ cho nhau; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 18 tỷ USD và cao hơn, theo hướng cân bằng và cùng có lợi.

Tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, năng lượng xanh... và gia tăng gắn kết chặt chẽ giữa hai nước trên các lĩnh vực quan trọng khác (hợp tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, lao động, văn hóa, thể thao, du lịch, kết nối người dân...) nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.

Xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, phát triển toàn diện

Malaysia là nước có vị trí quan trọng ở Đông Nam Á, có uy tín và ảnh hưởng trong ASEAN. Năm 2025, Malaysia sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Do vậy, chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam không chỉ là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, đưa sự tin cậy và hợp tác hiệu quả giữa hai nước sang giai đoạn mới ở tầm mức cao, thiết thực hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển của hai nước mà còn có ý nghĩa tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, giữ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Tại buổi họp báo ngay sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, hai bên cam kết ủng hộ lẫn nhau trên con đường phát triển của mỗi nước; nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…

Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp Malaysia đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam; hai bên đã có một số dự án hợp tác trong các lĩnh vực dầu khí; thời gian tới mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khai thác nghề cá.

Hai bên tăng cường trao đổi đoàn, hợp tác tại tất cả các cấp, các kênh; triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác sẵn có, đồng thời nghiên cứu thành lập các cơ chế mới phù hợp nhu cầu, lợi ích của hai bên trong bối cảnh mới. Thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 18 tỷ USD và cao hơn, theo hướng cân bằng và cùng có lợi.

Thăm và phát biểu tại Trường đại học Malaya, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, trong phần lớn chặng đường phát triển của hai nước, Việt Nam và Malaysia đã đồng hành, hợp tác, chia sẻ, cùng nhau vươn lên. Là những dân tộc đã sinh sống và phát triển lâu đời tại Đông Nam Á, Việt Nam và Malaysia chia sẻ những điểm tương đồng chiến lược to lớn.

Hai nước cùng hiểu sâu sắc giá trị của độc lập, tự do và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, do đã cùng phải hứng chịu những hậu quả của chế độ thực dân. Hai nước cùng có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, đa sắc tộc, coi trọng sự thống nhất trong đa dạng, ngày càng phát huy giá trị trong bối cảnh phát triển mới.

Hai nước cùng có thế giới quan rộng mở, sẵn sàng hợp tác quốc tế, tiếp thu tinh hoa nhân loại, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; cùng coi trọng những mối giao thương, liên kết quốc tế, thúc đẩy thương mại, đầu tư và công nghệ.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong một thế giới nhiều biến động, Việt Nam và Malaysia cùng chia sẻ những lợi ích chiến lược và quan điểm chung trên nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có những vấn đề thuộc lợi ích sát sườn của mỗi bên, như bảo đảm tự chủ chiến lược của mỗi nước, của ASEAN trong một thế giới biến động, hạn chế tác động tiêu cực của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, bảo đảm không gian phát triển của hai nước.

Cùng là thành viên ASEAN, thành viên Phong trào Không liên kết, hai nước cùng có cách tiếp cận về đối ngoại hài hòa, thỏa đáng, không chọn bên mà lựa chọn những gì tốt nhất cho hòa bình, an ninh, phát triển của mỗi nước và của cả khu vực, dựa trên luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn lạc quan vào tương lai của ASEAN và chủ động, tận tâm đóng góp cho sự vững mạnh của tổ chức.

Từ khi gia nhập năm 1995, Việt Nam luôn tích cực tham gia các hoạt động và đóng góp hết mình vào các sáng kiến, chương trình hành động của cộng đồng, luôn coi ASEAN là không gian chiến lược, góp phần tạo dựng cục diện thuận lợi, giữ vững môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển cho Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Awang Azman Awang Pawi nhận định, Việt Nam là một trong số các nước thành viên của ASEAN mà Malaysia có mối quan hệ lâu dài và đã phát triển thành quan hệ Đối tác chiến lược từ năm 2015. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Ibrahim, quan hệ Malaysia-Việt Nam đã đạt đến tầm cao mới với điểm sáng đặc trưng là quan hệ kinh tế mạnh mẽ, hợp tác chiến lược và cam kết chung trong việc giải quyết các thách thức của khu vực.

Sự gia tăng đột biến trong trao đổi thương mại Việt Nam-Malaysia là minh chứng cho cam kết của cả hai quốc gia trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn và mở rộng danh mục đầu tư thương mại giữa hai nước. Trong năm 2025, Malaysia đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, mối quan hệ Malaysia-Việt Nam sẽ rất quan trọng đối với mục tiêu thúc đẩy một tương lai thịnh vượng và bền vững cho toàn khu vực.

Theo Nhân Dân/TTXVN

Tin cùng chuyên mục