Tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức từ mỗi cán bộ, đảng viên

Đảng ta là một đảng cầm quyền, đồng thời là một tổ chức làm nhiệm vụ tiên phong chính trị, đại biểu cho trí tuệ, lương tâm, đạo đức của cả dân tộc. Vì vậy, tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức là nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo tin cậy của nhân dân, hoàn thành trọng trách của mình trước khát vọng phát triển đất nước của nhân dân và dân tộc.

Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trao đổi chuyên đề về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (lớp 3).

Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trao đổi chuyên đề về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (lớp 3).

Với vai trò là một đảng duy nhất cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thông qua tổ chức đảng và đảng viên. Trong đó, tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với nhân dân; đội ngũ đảng viên là thành viên của tổ chức cơ sở đảng, là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Vì vậy, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về đạo đức phải bắt đầu từ mỗi cán bộ, đảng viên, để mỗi cán bộ, đảng viên thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tiêu biểu cho “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”.

Cho đến nay, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên luôn giữ vững và thể hiện rõ phẩm chất đạo đức cách mạng; nêu cao bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; có ý thức rèn luyện, tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng, góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực cùng sự cám dỗ từ mặt trái của cơ chế thị trường, một số cán bộ, đảng viên đã không giữ được phẩm chất đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân; có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, dẫn đến phai nhạt lý tưởng cách mạng, vi phạm nguyên tắc kỷ luật đảng, giảm sút lòng tin của nhân dân, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tự giáo dục, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; thực hiện thường xuyên, sâu rộng việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị; tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức, góp phần xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn cách mạng mới, cụ thể:

Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò đặc biệt quan trọng, vấn đề cấp bách của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, xem đó là trụ cột, là “nền tảng”, là “cái gốc” của công tác xây dựng Đảng trong mối quan hệ với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, để Đảng ta mãi là một Đảng chân chính, “là đạo đức, là văn minh”, mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng trưởng thành hơn, xứng đáng “vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Theo Người, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phải “tự soi, tự sửa” hằng ngày mới ngăn chặn đẩy lùi các biểu hiện: Phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Đạo đức của Đảng ta là đạo đức cách mạng, đạo đức mang bản chất giai cấp công nhân, kế thừa các giá trị đạo đức của dân tộc Việt Nam trong lịch sử, đồng thời tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Vì vậy, tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định công cuộc đổi mới và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; liên hệ mật thiết với nhân dân; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, ý thức tự giác; nói đi đôi với làm; nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình; có lối sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, lãng phí, tham nhũng, không đặc quyền đặc lợi; bảo vệ uy tín, thanh danh, sức chiến đấu của Đảng mọi lúc, mọi nơi.

Hai là, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới: Tinh thần yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Các chuẩn mực nêu trên rất toàn diện, nhưng cũng rất ngắn gọn, súc tích, cụ thể, quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo thành “sợi chỉ đỏ” liên kết các yếu tố hợp thành phẩm chất, năng lực, phong cách của cán bộ, đảng viên; là thước đo nhân cách, thái độ, hành vi, tác phong công tác mà mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày; là cơ sở để Đảng lựa chọn những cán bộ, đảng viên có đủ đức, đủ tài đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong giai đoạn cách mạng mới.

Thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Vì thế, trong tư duy và hành động, mỗi cán bộ, đảng viên phải đem tinh thần chí công vô tư mà xử trí mọi việc, với mọi người và chính bản thân mình; phải nhận thức sâu sắc bổn phận và trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công. Cán bộ, đảng viên cần chủ động ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tha hóa đạo đức, lối sống ích kỷ, cá nhân, thực dụng, cơ hội, hám danh, tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân. Phải rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nêu cao danh dự, lòng tự trọng; không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; tự mình phòng, tránh chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống.

Ba là, các cán bộ, đảng viên trong quân đội là lực lượng nòng cốt, trụ cột của quân đội, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, chỉ huy các cấp và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu trong các cơ quan, đơn vị. Vì thế, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải làm tốt vai trò gương mẫu, nêu gương về đạo đức cách mạng, lấy đó làm nền tảng để xây dựng chuẩn mực đạo đức cho mọi quân nhân, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng Đảng bộ Quân đội thật sự trong sạch, vững mạnh, “mẫu mực, tiêu biểu”.

Với chức năng và nhiệm vụ có tính đặc thù của cán bộ, đảng viên trong quân đội, nên giá trị cao nhất về chuẩn mực đạo đức là: Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Giá trị chuẩn mực đạo đức cao đẹp ấy trở thành đặc trưng của “Bộ đội Cụ Hồ”, là cội nguồn tạo nên sức mạnh để Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Để làm tốt vai trò gương mẫu, nêu gương thực hiện các chuẩn mực đạo đức, cán bộ, đảng viên trong quân đội phải thường xuyên rèn luyện lối sống trong sạch, lành mạnh, có phương pháp, tác phong công tác khoa học; rèn luyện cách sống, nếp sống tự soi, tự sửa, tự chỉnh đốn, tự mình phải liêm chính, chí công, vô tư; có sức cảm hóa, thuyết phục đối với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ và cương lĩnh, điều lệ, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội; có sức đề kháng và khả năng miễn dịch tốt, ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của những hiện tượng thiếu văn hóa; giữ vững và phát triển nền tảng đạo đức, văn hóa Việt Nam - sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thượng tướng, PGS,TS TRẦN VIỆT KHOA         

Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục