Vi phạm vì thiếu hiểu biết
Mạng xã hội đang phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có, đem đến nhiều lợi ích cho người dùng. Tuy nhiên, khi người dùng, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở miền núi vốn có “sức đề kháng văn hóa”, nhãn quan nhận diện vấn đề yếu thì những thông tin xấu, độc, giả mạo trên không gian mạng gây tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng và văn hóa dân tộc. Thông tin xấu, độc trên mạng xã hội có thể hiểu đơn giản là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, lẫn lộn đúng sai, thật giả, trái chuẩn mực đạo đức xã hội hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch.
Người dân thôn Lâm Tiến, xã Minh Dân (Hàm Yên) đã quen thuộc với sử dụng điện thoại thông minh.
Từ ngày có điện thoại thông minh, lại thêm mạng Internet phủ sóng đến bản, ngày nào chị Bàn Thị May, thôn Phia Chang, xã Sơn Phú (Na Hang) cũng phải dành vài giờ cho việc lướt Facebook và xem các video. Công cụ này giúp chị kết nối được nhiều bạn bè, biết thêm nhiều thông tin và có thể chia sẻ với mọi người. Nhưng khi được hỏi về những quy định khi sử dụng mạng xã hội và làm thế nào để nhận biết được thông tin chính thống, được phép chia sẻ thì chị May lắc đầu bảo: “Mình có biết gì về quy định sử dụng mạng xã hội đâu. Chỉ biết xem thông tin trên mạng, thấy tin nào hay hay thì chia sẻ cho mọi người cùng xem thôi”. Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo hay Tiktok... đã không còn xa lạ với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao nhưng nhiều người dân như chị May chưa nhận thức được thông tin nào là đúng, là chuẩn xác, cũng không hiểu được các quy định khi sử dụng mạng xã hội để thực hiện cho đúng.
Trong bối cảnh tác động chung của tình hình trong nước, khu vực và đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công một số công trình, dự án còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch; công tác giáo dục, y tế, việc làm còn gặp nhiều khó khăn; việc giải quyết đơn thư, kiến nghị của công dân có lúc, có nơi chưa được kịp thời... Từ bối cảnh đó, một số tài khoản Facebook đã lợi dụng thông tin sai sự thật, bình luận trái chiều, phản ánh thiếu khách quan, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc gây mất an ninh, trật tự. Một số báo mạng điện tử thông tin sự việc không đúng bản chất hoặc thổi phồng để gây sự chú ý của công chúng, độc giả... còn diễn ra, khiến thông tin đến người sử dụng mạng xã hội chưa được chính xác, khách quan. Trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh, Cơ quan Công an đã xác minh làm rõ và xử lý vi phạm 8 vụ/13 đối tượng về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận; thông tin xúc phạm uy tín, danh dự tổ chức cá nhân; ra quyết định khởi tố án hình sự đối với 2 đối tượng.
Nâng cao “sức đề kháng”
Lợi dụng “sức đề kháng văn hóa” của đồng bào dân tộc còn hạn chế, thời gian qua, trên địa bàn xã Xuân Lập thường xuyên bị các thế lực thù địch tìm cách chia sẻ những thông tin, trang Website có nội dung xấu gây mất đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Trung tá Đặng Văn Thăng, Trưởng Công an xã Xuân Lập cho biết, chủ động cảnh giác trước những thông tin xấu độc, Đảng ủy, chính quyền xã, Công an luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân thông qua các buổi sinh hoạt đạo tại các điểm nhóm đạo Tin lành trên địa bàn hàng tuần, thông qua các buổi họp thôn, thậm chí trực tiếp đến từng người dân. Các buổi tuyên truyền cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin chính thống, giúp mỗi cá nhân nhận biết được đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm mục đích xấu, từ đó tạo nên “sức đề kháng” cho nhân dân trước những thông tin xấu độc, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và các đối tượng xấu, tránh bị kẻ xấu lợi dụng trên không gian mạng. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn luôn được giữ vững, đồng bào các dân tộc trên địa bàn luôn tin tưởng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Hiện nay, trên các nền tảng không gian mạng xuất hiện nhiều hiện tượng văn hóa với những hình mẫu, lối sống đảo lộn với các giá trị chân, thiện, mỹ. Tuy nhiên, những hiện tượng “lệch chuẩn” đó lại thu hút đông đảo sự tương tác, theo dõi của cộng đồng mạng, gây nên nhiều hệ lụy nguy hiểm đối với giới trẻ, đặc biệt là giới trẻ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi “sức đề kháng văn hóa” vốn rất yếu. Anh Vi Văn Tuân, Bí thư Đoàn xã Đà Vị (Na Hang) cho biết, trước rất nhiều những thông tin “lệch chuẩn”, Đoàn xã đã chủ động phối hợp với Công an xã đẩy mạnh tuyên truyền giúp thanh niên nhận thức đúng, thực hiện nghiêm những quy định về Luật An ninh mạng. Khi tuyên truyền, phải trực tiếp cầm điện thoại hướng dẫn cho bà con và đoàn viên, không được đăng tải, chia sẻ, bình luận những hình ảnh, thông tin xấu, sai sự thật về Đảng, Nhà nước, không tiếp cận những thông tin không chính thống, xem và chia sẻ những clip trái với thuần phong mỹ tục, lệch chuẩn. Đồng thời, hướng dẫn bà con cách nhận biết thủ đoạn của các đối tượng xấu để không bị lợi dụng trên không gian mạng.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 1.871 Tổ công nghệ số cộng đồng (cấp xã: 138, cấp thôn: 1.733) với 10.217 thành viên. Tỷ lệ Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp thôn trên địa bàn tỉnh đạt 100%. Thành viên các tổ là cán bộ thôn, tổ dân phố, bí thư đoàn thanh niên. Sau khi kiện toàn và tập huấn, Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ hướng dẫn nhân dân sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, điện thoại thông minh truy cập dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các mạng xã hội trong việc trao đổi thông tin... Tổ công nghệ số cộng đồng chính là lực lượng tinh nhuệ, giải pháp quan trọng trong tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con về các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, Internet trong đời sống và sản xuất và đặc biệt là nâng cao nhận thức của người dân trước những thông tin xấu độc trên mạng xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết