Quang cảnh Hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài.
Chiều 7/10, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc triển khai các nhiệm vụ cấp bách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi trong 3 tháng cuối năm 2021.
Năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao cho các địa phương là 63.709 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương (NSTW) là 34.913 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỷ đồng. 9 tháng đầu qua, nguồn vốn NSTW bổ sung có mục tiêu đạt 11,51% dự toán; vốn cho địa phương vay lại đạt 7,78% dự toán. Đây là mức giải ngân rất thấp, tốc độ giải ngân rất chậm. Với tình hình này, Bộ Tài chính dự kiến giải ngân đầu tư công nguồn nước ngoài cả năm 2021 của các địa phương chỉ đạt khoảng 36,5% kế hoạch vốn cấp phát được giao.
Qua tổng hợp báo cáo của địa phương và làm việc trực tiếp với một số địa phương, có thể nhận thấy có nhiều vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân. Theo đó, về khách quan, nổi bật nhất là do tác động của đại dịch Covid-19 khi việc nhập máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát… bị kéo dài. Bên cạnh đó, còn có việc chậm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định/thỏa thuận vay.
Theo quy định hiện nay, chỉ khi hoàn thành việc điều chỉnh chủ trương đầu tư mới có thể điều chỉnh hiệp định vay (nếu có). Điều này dẫn đến việc một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra nguyên nhân thuộc về giao, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn: có việc giao chậm, giao thiếu kế hoạch đầu tư công trung hạn; giao vượt nhu cầu sử dụng đã đăng ký; địa phương chậm, thậm chí chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn. Giai đoạn hình thành và xác nhận khối lượng hoàn thành (giai đoạn triển khai thực hiện kế hoạch vốn được giao) do chậm đấu thầu, chậm triển khai công việc và xác nhận khối lượng hoàn thành; chậm tổng hợp hồ sơ đề nghị rút vốn hay hồ sơ rút vốn không đủ điều kiện giải ngân phải trả lại, do các chủ dự án tập trung vào giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 được phép kéo dài, chuyển nguồn…
Có 4 địa phương có tốc độ giải ngân tốt, thậm chí còn đề xuất tăng thêm nguồn vốn, trong đó có địa phương đang thực hiện giãn cách bởi dịch Covid-19. Chính vì vậy, ngoài nguyên nhân do dịch, nguyên nhân chậm tiến độ do chủ quan được cả 2 hội nghị đánh giá là nguyên nhân trọng điểm.
Trước đó, tại hội nghị cùng chủ đề với các bộ, ngành Trung ương, Bộ Tài chính cũng cho biết, năm 2021, tổng vốn được giao từ nguồn nêu trên là 51.550 tỷ đồng, trong đó các bộ ngành là khoảng 17 nghìn tỷ đồng. 9 tháng đầu năm, chỉ có hơn 13 nghìn tỷ đồng được nhập dự toán trên hệ thống Tabmis, đạt hơn 78%. Đến 6/10, số giải ngân lũy kế từ đầu năm đạt 3.166 tỷ đồng, bằng 19%. Đối với phần vốn kế hoạch của năm 2020, số giải ngân cũng chỉ đạt 3.196 tỷ đồng, cao hơn số giải ngân kế hoạch năm 2021.
Sau 2 hội nghị này, liên Bộ Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp đã thống nhất với các bộ, ngành, địa phương để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài, cho dù biết chắc chắn không thể hoàn thành mục tiêu đặt ra từ đầu năm.
Gửi phản hồi
In bài viết