Lực lượng cốt cán
Tuyên Quang có tổng diện tích rừng trên 426 nghìn ha, trong đó diện tích rừng đặc dụng trên 45,5 nghìn ha, diện tích rừng phòng hộ trên 115 nghìn ha, còn lại là diện tích rừng sản xuất.
Trên địa bàn có 5 ban Quản lý rừng là đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ Na Hang; Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT và 3 Ban quản lý rừng đặc dụng trực thuộc Chi cục Kiểm lâm (gồm Ban quản lý rừng đặc dụng Na Hang; Ban quản lý rừng đặc dụng Cham Chu và Ban quản lý rừng đặc dụng Tân Trào). Tuy nhiên, chỉ 2 Ban quản lý rừng phòng hộ đã được giao diện tích rừng để quản lý, bảo vệ; còn đối với 3 Ban quản lý rừng đặc dụng mặc dù đã được thành lập từ tháng 11/2019 nhưng đến nay chưa được giao rừng do vậy chưa được coi là “Chủ rừng” theo quy định; các Ban Quản lý rừng đặc dụng chưa có bộ máy hoạt động độc lập do vậy việc thực hiện nhiệm vụ của các Ban Quản lý rừng vẫn do các Hạt Kiểm lâm đồng thời thực hiện.
Lực lượng kiểm lâm, nhân viên tuần rừng Hạt Kiểm lâm Na Hang trong 1 chuyến tuần tra, bảo vệ rừng.
Do biên chế kiểm lâm mỏng, 257 biên chế, nhiều diện tích rừng tự nhiên đặc dụng, phòng hộ chưa có chủ quản lý theo quy định. Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là bảo vệ các khu rừng tự nhiên còn nhiều lâm sản quý hiếm, từ năm 2013 đến nay, do lực lượng mỏng, Chi cục Kiểm lâm đã được ngân sách của tỉnh cấp kinh phí hợp đồng với 84 lao động nhân viên tuần rừng để hỗ trợ các Hạt Kiểm lâm trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng.
Theo đồng chí Dương Văn Xy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, lực lượng nhân viên tuần rừng đã hỗ trợ rất tích cực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Việc tuần tra rừng được thực hiện thường xuyên hơn do được bổ sung lực lượng, các Chốt bảo vệ rừng được đặt sâu trong rừng, chốt chặn tại các vị trí quan trọng từ đó đã góp phần thực hiện bảo vệ rừng tại gốc có hiệu quả, hạn chế đáng kể tình trạng săn bắt động vật rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phát đốt rừng để làm nương rẫy. Số vụ vi phạm năm sau giảm hơn so với năm trước. Số vụ vi phạm năm 2019 giảm 142 vụ so với năm 2018; năm 2020 giảm 30 vụ so với năm 2019; năm 2021 giảm 53 vụ so với năm 2020.
Không chỉ đơn thuần là việc tuần rừng và cung cấp thông tin, các nhân viên tuần rừng còn chủ động, độc lập phát hiện, bắt giữ hoặc hỗ trợ lực lượng Kiểm lâm phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên tuần rừng là người dân địa phương nơi có rừng nên thông thạo địa hình rừng, hiểu biết sâu rộng về kiến thức bản địa, phong tục, tập quán... đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc nắm bắt thông tin cũng như công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Không bỏ quên
Theo báo cáo từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2018 đến nay, đã có 113 nhân viên tuần rừng nghỉ việc. Trong đó, nhiều nhất là năm 2018 có 32 nhân viên; năm 2019 có 18 nhân viên, 2020 có 20 nhân viên, 2021 có 17 nhân viên và đến năm 2022, số lượng nhân viên tuần rừng nghỉ việc lại có xu hướng tăng trở lại, 24 nhân viên. Riêng 3 tháng đầu năm 2023, đã có 2 nhân viên tuần rừng xin nghỉ việc.
Trong số này, nhiều nhất là tại huyện Na Hang, 63 nhân viên, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu 20 nhân viên, còn lại ở các địa phương.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, phần lớn lý do các nhân viên tuần rừng nghỉ việc là do thu nhập từ công việc thấp, không đảm bảo đời sống, trong khi đó công việc giữ rừng khó khăn vất vả, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy.
Trên thực tế, Tuyên Quang đã có 4 lần điều chỉnh tăng mức trợ cấp cho nhân viên tuần rừng, từ 2,1 triệu đồng/người/tháng (năm 2013) lên 3,5 triệu đồng/người/tháng (năm 2022). Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, mức thu nhập này chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.
Tháng 7-2022, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý điều chỉnh nâng mức tiền công cho nhân viên tuần rừng tại các Hạt Kiểm lâm từ 3,5 triệu đồng/người/tháng lên 5 triệu đồng/người/tháng theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng chí Trần Văn Xuân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu cho biết, trước đây, khi chưa điều chỉnh mức thu nhập, nhiều anh em vẫn đắn đo, suy tính tìm kiếm công việc mới, nhưng từ khi điều chỉnh tăng mức thu nhập lên 5 triệu đồng, anh em yên tâm, gắn bó với công việc hơn.
Anh Hoàng Huy Du, nhân viên tuần rừng Chốt Kiểm lâm Phia Phoong thuộc Trạm Kiểm lâm Phia Phoong (Hạt Kiểm lâm Na Hang) đã có 24 năm gắn bó với rừng. Chốt phụ trách gần 4.000 ha rừng đặc dụng thuộc địa bàn 2 xã Sơn Phú, Khau Tinh, nhưng lực lượng chỉ có 1 kiểm lâm viên và 1 nhân viên tuần rừng. Gần như ngày nào, anh Du cũng lên đường tuần tra, kiểm soát các tuyến để nắm tình hình. Công việc vất vả, mức thu nhập lại chưa thực sự đủ để anh hỗ trợ vợ con, đã không ít lần, anh muốn tạm dừng công việc để tìm kiếm một công việc khác để đỡ đần gia đình. Anh Du cho biết, 24 năm gắn bó với rừng, không phải bảo bỏ là bỏ ngay được. Cũng may, anh em cán bộ trong Trạm, trong Hạt động viên, rồi chính sách tiền công cũng được thay đổi, mình cũng yên tâm gắn bó với rừng hơn.
Cùng với việc điều chỉnh tăng mức trợ cấp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT nghiên cứu đề xuất chính sách ưu tiên cho nhân viên bảo vệ rừng khi thi tuyển vào vị trí công chức Kiểm lâm... Những chính sách này, sẽ góp phần giữ chân lực lượng này trong công cuộc bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết