Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, các đề tài, dự án khoa học công nghệ triển khai trên địa bàn tỉnh ở hầu hết các lĩnh vực: khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật - công nghệ, khoa học tự nhiên đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh nhiều sản phẩm của tỉnh; ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần tổng kết, đánh giá thực tiễn nhằm cung cấp thông tin, luận cứ khoa học, từ đó giúp hoạch định, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch; khoa học y dược đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...
Mô hình trồng đỗ đen xanh lòng phục vụ dự án sản xuất trà túi lọc đậu đen xanh lòng tại xã Tri Phú (Chiêm Hoá).
Hàng năm, Sở đã tham mưu quản lý, triển khai 40-50 đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia. Các đề tài, dự án được triển khai thực hiện trên cơ sở gắn với thực hiện 3 khâu đột phá đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tiêu biểu như tạo ra sản phẩm chủ lực; tăng quy mô sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm cụ thể; kết quả dự án có khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Nhiều sản phẩm của tỉnh có ưu thế về chất lượng, hiệu quả kinh tế đã và đang được xây dựng và phát triển, như: Cam sành Hàm Yên, chè đặc sản chất lượng cao, bưởi đường Xuân Vân, vịt bầu Minh Hương, trâu ngố Chiêm Hoá, rượu ngô Na Hang, đồ gỗ chế biến…
Trong số các đề tài, dự án được nghiệm thu, số nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp chiếm đến gần 70%. Các dự án không chỉ tạo ra cơ hội thử nghiệm giống cây, con mới, kỹ thuật mới mà còn mở ra một hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế. Từ đó, góp phần giúp người dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo nên giá trị cao trên một đơn vị diện tích canh tác. Tỉnh ta đã phục tráng thành công giống lạc đặc sản Chiêm Hóa L14; chọn lọc một số giống cam mới có năng suất, chất lượng cao để rải vụ; nhân giống thành công giống bò, trâu ngố Tuyên Quang bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm thành công một số loài cá đặc sản như lăng chấm, chiên, bỗng, anh vũ, chình hoa… Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật sản xuất, thông qua một số dự án như xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất chè VietGAP, sản xuất chè hữu cơ; quy trình sản xuất, bảo quản và tiêu thụ cam VietGAP, hữu cơ…
Để từng bước cải thiện đàn trâu giống, tăng quy mô đàn trâu lai, Dự án ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trâu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sau hơn 3 năm triển khai đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Nghé con sinh ra có tầm vóc to, nặng hơn với trọng lượng nghé sơ sinh từ 35 - 42 kg cao hơn nghé bản địa từ 25-30%. Từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 10.000 con trâu cái trên địa bàn tỉnh được thụ tinh nhân tạo.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào mô hình chăn nuôi bò 3B tại xã Đại Phú (Sơn Dương).
Nhằm khôi phục và đưa vào nuôi thương phẩm giống cá chình hoa quý hiếm, năm 2021, Công ty TNHH MTV Thủy sản Nhật Nam (TP Tuyên Quang) đã nhân giống và cho sinh sản nhân tạo thành công gần 40.000 con cá chình hoa tại lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang. Việc nhân giống cá chình hoa thành công sẽ góp phần mở ra cơ hội lớn đối với nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương.
Hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản của tỉnh như: Cam sành Hàm Yên; bưởi Phúc Ninh, hồng Xuân Vân (Yên Sơn); rượu ngô (Na Hang); rượu chuối Kim Binh, bánh gai (Chiêm Hóa), chè xanh Trung Long (Sơn Dương)... Đồng thời, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Cam sành Hàm Yên”; xây dựng và phát triển nhãn hiệu vịt bầu Minh Hương; trâu ngố Chiêm Hoá… Qua đó, góp phần tạo dựng uy tín, danh tiếng và nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm có lợi thế của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước.
Những đóng góp của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, lựa chọn, tập trung phát triển công nghệ mới, ưu tiên đẩy nhanh nghiên cứu, đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn, góp phần làm thay đổi tích cực trong sản xuất và đời sống.
Gửi phản hồi
In bài viết