Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, phát biểu. (Ảnh: quochoi.vn)
Cơ chế linh hoạt để thu hút người tài
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 8, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, cho rằng, khoản 2 Điều 5 của dự thảo Luật quy định Chính phủ ban hành khung chính sách thu hút người tài trong hoạt động công vụ.
Tuy nhiên, để bảo đảm đầy đủ, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng là công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an; trong tổ chức cơ yếu mà không phải là người làm công tác cơ yếu, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Cùng quan điểm, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) nhận định: Chúng ta đã từng thu hút người tài nhưng không bố trí được công việc phù hợp, hoặc đãi ngộ chưa tương xứng khiến họ phải rời bỏ khu vực công.
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 8, chiều 7/5/2025. (Ảnh: BÙI GIANG)
Vì vậy, nữ đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định rõ ngành, lĩnh vực cần ưu tiên thu hút người tài, gắn chính sách với khả năng chi trả của ngân sách địa phương, đồng thời thiết kế quy định phù hợp để tăng quyền chủ động cho cơ sở, vừa rõ các điều kiện bảo đảm thực thi chính sách.
Đại biểu Tạ Thị Yên cũng đánh giá cao những điểm mới trong quy định về tuyển dụng công chức tại Điều 24, 25 của dự thảo, theo đó người trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch tương ứng ngay, không cần tập sự. Đặc biệt, dự thảo cho phép tiếp nhận người tài từ khu vực ngoài nhà nước, ký hợp đồng có thời hạn với chuyên gia, nhà khoa học.
“Chúng ta không thể thu hút một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc hay một nhà khoa học trẻ từ nước ngoài về bằng một mức lương khởi điểm 2,34”, bà Yên nhấn mạnh và cho rằng những quy định của dự thảo luật lần này sẽ tạo ra những cơ chế mở, thông thoáng và tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập thực tế hiện nay trong việc thu hút và trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Góp ý về Điều 29 của dự thảo Luật, đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ sự đồng tình với việc đánh giá công chức căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ cụ thể theo tháng, quý, 6 tháng, bằng các tiêu chí định lượng.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)
Theo nữ đại biểu, đây là bước tiếp cận hiện đại, chuyển từ các tiêu chí định tính sang tiêu chí định lượng giống như mô hình KPI trong doanh nghiệp. Khi hoạt động công vụ được số hóa, việc xác định thời gian làm việc thực tế, hiệu quả công việc không còn là điều khó khăn, bà Yên cho hay.
Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Điện Biên lưu ý cần giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này để bảo đảm tính phù hợp giữa các lĩnh vực, cấp quản lý khác nhau.
Việc quy định có các tiêu chuẩn định lượng sẽ tránh được tình trạng đánh giá cán bộ “thiếu công bằng” so bì, ganh tỵ, “bè phái”, “dĩ hòa vi quý” ngại va chạm, nhụt ý chí đấu tranh, dễ dẫn đến tình trạng một bộ phận công chức thực sự có năng lực, tận tụy với công việc sẽ cảm thấy bất công khi không được đánh giá đúng mực, làm mất đi động lực phấn đấu, vươn lên.
Tăng trách nhiệm, bảo vệ người dám đấu tranh
Tại các phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng góp ý về nghĩa vụ và trách nhiệm của công chức trong thi hành công vụ. Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) đề nghị bổ sung nghĩa vụ “kịp thời phát hiện và báo cáo các hành vi sử dụng sai mục đích hoặc gây thất thoát tài sản công”, đồng thời kiến nghị quy định rõ chế tài xử lý vi phạm, bao gồm cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại, qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm và minh bạch trong quản lý tài sản công.
Cũng theo ông Minh, cần có cơ chế bảo vệ công chức dám đấu tranh, báo cáo hành vi sai phạm của cấp trên. “Nhiều công chức ngại tố cáo vì lo bị trù dập, hoặc gây mâu thuẫn nội bộ. Tôi đề nghị bổ sung cơ chế bảo vệ công chức báo cáo, chẳng hạn quy định bảo mật danh tính và lưu trữ báo cáo trong hồ sơ công vụ. Quy trình báo cáo cần được chuẩn hóa bằng văn bản, bảo đảm tính minh bạch và tránh lạm dụng quyền hạn từ phía cấp trên”, đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, phát biểu. (Ảnh: quochoi.vn)
Về nghĩa vụ người đứng đầu, đại biểu Lò Thị Luyến đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 9, bổ sung nội dung “thực hành tiết kiệm” vào quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nghĩa vụ tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đóng góp ý kiến vào quy định xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ tại khoản 2 Điều 31, đại biểu Luyến cho rằng, công chức xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ 1 năm hay 2 năm liên tiếp đều có thể bị cho thôi việc.
Do đó, bà đề nghị chỉnh lại theo hướng: Đối với công chức xếp loại đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ trong 1 năm thì cơ quan quản lý công chức xem xét, bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn. Nếu trong trường hợp không có vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn phù hợp để sắp xếp thì mới cho thôi việc. Qua đó, bảo đảm chặt chẽ, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.
Dứt điểm xóa bỏ biên chế suốt đời
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)
Phát biểu thảo luận, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là hai dự án luật then chốt, mang tính nền tảng trong việc tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Với dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ trưởng cho biết, đây là dịp để thay đổi toàn diện tư duy, triết lý cho nền công vụ và công chức nước ta. Trong đó xác lập rõ vị trí việc làm vì đây là công cụ, sợi chỉ xuyên suốt, là trung tâm, cốt lõi cho việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật.
Theo Bộ trưởng, lần sửa đổi này vẫn giữ ngạch công chức trong vị trí việc làm. Đây được xem là công cụ kỹ thuật để phân định thứ bậc cho công vụ của nước ta, nếu bỏ đi sẽ rất khó phân định.
“Chúng ta vẫn giữ ngạch này để triển khai và thực hiện cải cách tiền lương. Nếu bỏ ngạch công chức đi sẽ rất khó thiết kế các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo bà Trà, phải khắc phục được tư duy biên chế suốt đời, bởi nếu cứ vào được biên chế, ngồi chắc vị trí là không có chuyện ra khỏi biên chế. Vì vậy phải thiết kế quy định làm sao cho “có vào, có ra”, dứt điểm xóa bỏ biên chế suốt đời.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, muốn như vậy phải thực hiện hai công cụ gồm đánh giá trên cơ sở vị trí việc làm và sử dụng cơ chế hợp đồng (hợp đồng chuyên gia, nhà khoa học, vị trí việc làm). Bà khẳng định, đây là một xu hướng chung trên thế giới, đã được giải trình thỏa đáng với Chính phủ.
“Tới đây sẽ ban hành nghị định riêng về đánh giá, có KPI, dữ liệu để đánh giá, lấy sản phẩm công việc làm thước đo, không định tính chung chung”, Bộ trưởng thông tin.
Gửi phản hồi
In bài viết