Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Mỹ An
Để định hướng du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, UBND thành phố yêu cầu Sở Du lịch chủ trì triển khai có hiệu quả, đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND thành phố; chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp và hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu Quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô tại Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13-6-2024 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố; chú trọng công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ quản lý, lao động phục vụ tại các điểm đến du lịch. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định công nhận điểm du lịch, khu du lịch trên địa bàn thành phố bảo đảm theo đúng quy định của Luật Du lịch và các quy định pháp luật có liên quan.
Sở Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành các quy định của nhà nước về hoạt động kinh doanh du lịch; khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm của các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, kịp thời tham mưu và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực quản lý tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác thực thi các chính sách pháp luật về đất đai, môi trường, xây dựng, quy hoạch, tiến độ thực hiện dự án… của các dự án đầu tư du lịch; thường xuyên rà soát, yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng các nội dung quyết định chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; kịp thời phát hiện, tham mưu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của nhà đầu tư theo quy định.
Tổng công ty Du lịch Hà Nội chủ động tham gia với các cơ quan chức năng để xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Du lịch theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của Chính phủ. Trực tiếp tổ chức các hoạt động kinh doanh theo đúng chức năng, nhiệm vụ được thành phố giao; thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước của Tổng công ty Du lịch Hà Nội, đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND thành phố Hà Nội về việc bảo toàn và phát triển số vốn được giao. Đối với các cơ sở, địa điểm có yếu tố lịch sử, văn hóa cần có biện pháp quản lý, bảo tồn nghiêm các giá trị để phục vụ cho hoạt động phát triển du lịch của thành phố.
UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn; phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật về: Môi trường du lịch; bảo vệ môi trường; sử dụng đất đai; công tác phòng cháy, chữa cháy… của các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân.
Chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, an ninh, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Kiên quyết đình chỉ, tạm dừng hoạt động đối với những cơ sở chưa có đăng ký kinh doanh, chưa đủ điều kiện hoạt động, sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng trái phép… để góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tạo hình ảnh du lịch Thủ đô văn minh, an toàn, thân thiện.
Gửi phản hồi
In bài viết