Với chủ đề "Bảo đảm an toàn không gian mạng trong kỷ nguyên số: Thách thức và lời giải", sự kiện đã thu hút 800 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách và chiến lược, các chuyên gia, nhà cung cấp giải pháp trong và ngoài nước về an toàn, bảo mật, công nghệ thông tin thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao năng lực ứng phó với các nguy cơ rủi ro an toàn, an ninh mạng.
Trung bình mỗi người Việt Nam đang sử dụng internet khoảng gần 7 tiếng/ngày và dự báo sẽ không ngừng gia tăng trong thời gian tới, đồng nghĩa với việc nguy cơ mất an toàn thông tin mạng sẽ cao hơn. Trong khi đó, mỗi ngày trên thế giới có 900 cuộc tấn công mạng, phát hiện khoảng 40 điểm yếu lỗ hổng mới và cứ mỗi giây có tới 5 mã độc mới sinh ra.
Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), hàng chục nghìn địa chỉ IP của khách hàng, của các nhà cung cấp dịch vụ internet trong nước bị nhiễm mã độc. Đáng chú ý, các nhóm tin tặc tiếp tục lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để tấn công mạng bằng cách gửi thông tin, tài liệu giả mạo để phát tán mã độc.
Từ thực tế này, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chia sẻ những hành động cụ thể mà cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm trong thời gian tới để tạo lập niềm tin số, nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về an toàn thông tin mạng.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông dự báo, vào năm 2025, mỗi giây sẽ có 3.000 cuộc tấn công mạng và 12 mã độc mới, tăng tương ứng 3 lần và 2,4 lần so với năm 2020; số lỗ hổng, điểm yếu mới xuất hiện mỗi ngày vào năm 2025 là khoảng 70, tăng 1,75 lần so với năm 2020.
Vì vậy, từ nay đến năm 2025, có 6 nhóm hành động cụ thể cần phải được tập trung triển khai. Đó là: Bảo đảm an toàn thông tin cho hạ tầng số; bảo vệ dữ liệu số; bảo vệ hệ thống thông tin cơ quan Đảng, Nhà nước; bảo vệ hệ thống thông tin trong các lĩnh vực quan trọng; xây dựng môi trường mạng an toàn; bảo đảm thông tin lành mạnh trên không gian mạng.
Trước đó, trong phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, an toàn thông tin mạng giờ đây là câu chuyện của mọi người. Việt Nam cần phải duy trì và tiếp tục cải thiện năng lực này, để bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia, cần tạo lập niềm tin số và triển khai an toàn thông tin mạng cho tất cả tổ chức, cá nhân và người dân trên không gian mạng.
Gửi phản hồi
In bài viết