Chưa bền vững
Mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm sachi từng được kỳ vọng sẽ hình thành chuỗi liên kết bền vững với nông dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Trên thực tế, đây là cây trồng mới, Hợp tác xã sản xuất hữu cơ sachi cũng đã được thành lập và kết nối với các hợp tác xã khác trên địa bàn tỉnh đưa loại cây trồng này vào với mục tiêu tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho bà con. Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng đã từng kỳ vọng, từ mô hình liên kết này sẽ hỗ trợ xây dựng nhóm các hợp tác xã sản xuất sachi theo chuỗi thành một liên hiệp hợp tác xã.
Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, do dịch bệnh, thị trường, cây trồng này đang mất dần vị thế và được thay thế bởi các cây trồng khác, chuỗi liên kết mới hình thành được một thời gian ngắn cũng vì thế mà đổ vỡ. Đồng chí Đặng Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thiện (Sơn Dương) cho biết, người dân trong xã bắt đầu tham gia mô hình liên kết từ năm 2019, với diện tích ban đầu gần 4 ha. Đúng thời điểm này, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại tất cả các địa phương khiến việc giao thương, đi lại gặp nhiều khó khăn. Sachi, cũng giống như một số nông sản khác của xã không có đầu ra. Theo lãnh đạo UBND xã Lương Thiện, đến thời điểm này, toàn bộ diện tích sachi đã bị thay thế bằng cây trồng khác, trong đó chủ yếu lại quay về cây mía.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, hết năm 2021, toàn tỉnh có 84 mô hình liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với tỷ lệ giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản tiêu thụ qua liên kết đạt trên 19% trên tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản.
Mô hình nuôi ong của thành viên Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Quyết Tiến, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) được bao tiêu đầu ra.
Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn đánh giá, hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được hình thành và phát triển, đã thúc đẩy các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực phát triển mạnh, như: vùng cam, chè, trồng rừng nguyên liệu giấy... Liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã giúp người sản xuất tiếp cận và hội nhập với kinh tế thị trường, thực hiện các cam kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong sản xuất đã bước đầu góp phần sản xuất theo hướng bền vững, tạo ra các sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Từ đó phát huy thế mạnh của từng địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. Phần lớn các liên kết trên địa bàn tỉnh đều được kiểm soát qua hợp đồng, đảm bảo có sự liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ nhằm tạo sản phẩm chất lượng, sản lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, theo Chi cục Phát triển nông thôn, trên thực tế, các mô hình liên kết trên địa bàn tỉnh chưa thực sự bền vững. Nếu tính số lượng liên kết có thời gian vài năm, có thị trường ổn định, hiện chỉ có một số liên kết như Hợp tác xã Chăn nuôi gia cầm Minh Tâm, huyện Sơn Dương liên kết với trên 1.200 hộ trồng 170 ha dưa chuột; Hợp tác xã Quang Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình liên kết với trên 40 hộ dân trồng và tiêu thụ 120 ha lá giang; Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành đã liên kết chăn nuôi trâu, bò thịt vỗ béo với 11 Hợp tác xã và 9 tổ hợp tác với gần 200 hộ tham gia...
Phải xây dựng hợp tác xã đủ mạnh
Mục tiêu của ngành nông nghiệp là đến năm 2025, sẽ xây dựng 116 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, trong đó có ít nhất 76 chuỗi sản phẩm thực hiện liên kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Riêng trong năm 2022, sẽ xây dựng và nâng cấp 104 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực.
Ngoài việc thu hút các doanh nghiệp vào tham gia các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, thì giải pháp chính của ngành nông nghiệp thời điểm này là nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông lâm nghiệp. Bởi theo bà Lê Thị Quỳnh Mai, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Chi cục Phát triển nông thôn, trong 84 liên kết của tỉnh đến hết năm 2021, thì có đến 75 liên kết được thực hiện bởi các hợp tác xã.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lê Hải Nam, các hợp tác xã nông lâm nghiệp có vai trò rất lớn trong việc hình thành, phát triển các mô hình liên kết hợp tác nhờ phủ sóng rộng khắp và số lượng thành viên đông đảo, đến cả các thôn, bản. Trong các vùng sản xuất nông sản hàng hóa đều có sự tham gia của các hợp tác xã, đại diện cho nông dân để phát triển sản xuất, góp phần đưa tỷ lệ giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản tiêu thụ qua hình thức liên kết.
Hợp tác xã Thắng Đạt (Na Hang) hiện đang thực hiện liên kết trồng cây gai xanh với hơn 10 ha tại các xã Năng Khả, Sơn Phú, Thanh Tương và thị trấn Na Hang. Dự kiến vụ hè thu này, diện tích liên kết sẽ mở rộng lên ít nhất 50 ha. Ông Ma Văn Tuệ, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Hợp tác xã Thắng Đạt thiên về trồng, bao tiêu, sản xuất các sản phẩm dược liệu. Nhiều sản phẩm do đơn vị sản xuất đã có mặt trên thị trường như trà bí đao, xạ đen, giảo cổ lam... Sau một thời gian hoạt động, mới đây, Hợp tác xã Thắng Đạt tiếp tục liên kết với người dân trồng cây gai xanh để cung cấp cho một doanh nghiệp sản xuất sợi vải tại Thanh Hóa. Cùng với Hợp tác xã Phú Sơn (Sơn Dương), Hợp tác xã Sơn Dương (Chiêm Hóa), Hợp tác xã Thắng Đạt là 3 hợp tác xã được doanh nghiệp lựa chọn thực hiện mô hình liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm gai xanh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Tuy nhiên, để làm được điều này, thì phải có hợp tác xã đủ mạnh. Trong khi tiêu chuẩn này đối với các hợp tác xã nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh lại tương đối hạn chế.
Trong tổng số 398 hợp tác xã nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2021 của 287 hợp tác xã đủ điều kiện, chỉ có có 22 hợp tác xã xếp loại tốt; 111 hợp tác xã xếp loại khá; 125 hợp tác xã xếp loại trung bình; 29 hợp tác xã xếp loại yếu. Năm 2022, Chi cục Phát triển nông thôn đang tập trung rà soát lại toàn bộ hoạt động của các hợp tác xã, mục tiêu là giải thể những hợp tác xã không hoạt động, hoạt động kém hiệu quả... Ngay cả đối với các hợp tác xã là chủ thể đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Chi cục Phát triển nông thôn cũng tập trung rà soát, kiểm tra lại toàn bộ để nâng cao hiệu quả sản xuất, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Đảm bảo các sản phẩm sau khi được xếp hạng phải thực sự có chiến lược phát triển chỗ đứng trên thị trường.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, phát triển công nghiệp chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm. Tập trung thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển mới, duy trì và mở rộng các cơ sở chế biến rau, quả quy mô tiểu thủ công nghiệp với các sản phẩm đặc sản của địa phương gắn với sản phẩm OCOP. Đồng thời, tăng cường đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Ứng dụng cơ giới hóa phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao năng suất lao động; giảm tổn thất sau thu hoạch và thích ứng với biến đổi khí hậu để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Gửi phản hồi
In bài viết