Tập đoàn Pfizer nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 bằng đường uống

Ngày 24-3, hãng tin AP cho biết, Tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer thông báo đã bắt đầu cuộc thử nghiệm giai đoạn đầu tại Mỹ liệu pháp kháng vi rút SARS-CoV-2 bằng đường uống. Thông tin được đưa ra khi tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Tính đến 6h ngày 24-3, số ca mắc Covid-19 đã lên tới 124.761.093 người, trong đó có 2.744.821 trường hợp tử vong.


Chính phủ Phần Lan tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 đến ngày 18-4.

Châu Âu

Theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, những người từ vùng England cố tình ra nước ngoài mà không có lý do chính đáng trước cuối tháng 6 tới sẽ phải chịu mức phạt 5.000 bảng (6.900 USD). Kế hoạch ban đầu của chính phủ là xem xét việc đi lại quốc tế vào tháng 4 và có thể cho phép điều này từ ngày 17-5. Tuy nhiên, Thủ tướng Boris Johnson đã đưa ra cảnh báo về làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba tại châu Âu. Mức phạt này được coi như một biện pháp mạnh nhằm hạn chế sự di chuyển của người dân trước diễn biến phức tạp của đại dịch.

Chính phủ Phần Lan thông báo sẽ gia hạn việc đóng cửa các nhà hàng và quán bar cho đến ngày 18-4 nhằm đối phó với sự lây lan của dịch Covid-19. Kể từ đầu tháng 2, số ca nhiễm mới tại Phần Lan đã gia tăng. Hiện quốc gia 5,5 triệu dân này ghi nhận 72.713 ca nhiễm, trong đó có 808 ca không qua khỏi.

Đức đã lên tiếng hối thúc các công ty dược phẩm thực thi đầy đủ hợp đồng cung ứng và bàn giao vắc xin ngừa Covid-19 mà các hãng này đã ký kết với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth nhấn mạnh, các bên phải tuân thủ các cam kết của mình, tương tự các công ty dược phải đáp ứng những cam kết của họ về việc cung ứng vắc xin.

Trong khi đó, hơn 20 bác sĩ Ba Lan sẽ đến Brussels (Bỉ) vào ngày 25-3 để tiêm vắc xin của AstraZeneca cho 3.500 người làm việc tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và loại vắc xin này cần được tiêm 2 mũi. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, Ba Lan đã nhận được "lời đề nghị chính thức" của NATO về việc tiêm chủng cho các nhân viên NATO tại trụ sở ở Brussels. Ba Lan đã cung cấp cho NATO hàng nghìn liều vắc xin phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca, đủ để tiêm cho 3.500 nhân viên của NATO đang làm việc tại trụ sở của tổ chức này tại thủ đô Brussels. Ông Mateusz Morawiecki khẳng định, đây là "một sứ mệnh quan trọng".

Châu Á

Nội các Nhật Bản đã quyết định sử dụng 2.170 tỷ yên (20 tỷ USD) trong quỹ dự phòng của năm tài chính 2020 để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và hộ gia đình chịu tác động kéo dài của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Khoảng 1.540 tỷ yên trong số tiền trên sẽ được phân bổ cho các chính quyền địa phương để hỗ trợ các nhà hàng và quán bar tuân thủ yêu cầu đóng cửa sớm như một phần của các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19. Các chính quyền sẽ có thể cung cấp 40.000 yên trợ cấp mỗi ngày cho các nhà cung cấp dịch vụ tương tự. Phát biểu tại cuộc họp với các bộ trưởng có liên quan, Thủ tướng Suga Yoshihide cho hay chính phủ sẽ nỗ lực để bảo vệ việc làm và giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động.

Đối với các hộ gia đình có thu nhập giảm mạnh do đại dịch, Chính phủ Nhật Bản đã dành 341 tỷ yên để gia hạn chương trình cho vay không lãi suất lên tới 200.000 yên cho mỗi hộ gia đình trong 3 tháng (đến cuối tháng 6-2021).

Châu Phi

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công dân Nam Phi đang phải đối mặt với nhiều hạn chế đi lại hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, trong đó, việc đi đến khoảng 120 quốc gia bị cấm hoàn toàn hoặc bị giới hạn nghiêm ngặt. Việc phát hiện ra biến chủng mới - được đánh giá có khả năng lây nhiễm nhanh hơn so với loại vi rút ban đầu - khiến công dân Nam Phi phải đối mặt với nhiều hạn chế hơn khi nhập cảnh nước ngoài. Các lệnh hạn chế đi lại đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch của Nam Phi.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục