Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kết luận cuộc họp.
Mở đầu cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp nếu không kịp thời ngăn chặn, có giải pháp xử lý các tình huống khẩn cấp về dịch dễ, dịch sẽ bùng phát, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Do đó, Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh tổ chức họp để đánh giá tình hình dịch bệnh, triển khai các biện pháp khẩn cấp, không để dịch bệnh lây lan.
Theo báo cáo của UBND huyện Lâm Bình, đến ngày 13-11, trên địa bàn huyện có 29 ca F0 đều là giáo viên và học sinh Trường THPT Lâm Bình. Huyện đã phối hợp với Sở Y tế triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng dịch, đã lấy 600 mẫu xét nghiệm; xác định các 343 ca F1 liên quan để tiếp tục truy vết. Huyện đang tổ chức cách ly các trường hợp F1 tại các xã; chuẩn bị thành lập bệnh viện dã chiến. Sở đã hỗ trợ 4 điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19, bảo đảm 95% dân số được tiêm phòng dịch. Huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ nhân lực, phương tiện, vật tư y tế bảo đảm công tác phòng, chống dịch hiệu quả.
Lãnh đạo Sở Y tế phát biểu tại cuộc họp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Lâm Bình phải xác định rõ nguồn lây từ 2 ca bệnh đầu tiên để xử lý nhanh chóng khả năng lây nhiễm. Lực lượng công an phải hỗ trợ huyện xác định rõ nguồn lây để dập dịch. Ngành Y tế xác định nguy cơ dịch bệnh để có biện pháp mạnh cho từng vùng.
Tại huyện Na Hang, đến thời điểm này có 8 ca dương tính với Covid-19, 261 ca F1, không có phát sinh ca dương tính mới. Huyện đã tổ chức khoanh vùng truy vết cùng với triển khai tiêm chủng vắc xin cho người dân. Na Hang cũng đã lên phương án thành lập bệnh viện dã chiến; mỗi xã có ít nhất 1 khu cách ly tập trung.
Huyện Chiêm Hóa có 18 trường hợp dương tính nhưng đều ở trong khu cách ly tập trung. Huyện đã rà soát số người về từ Lâm Bình; thành lập các chốt kiểm soát, cách ly các đối tượng theo quy định.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc công bố cấp độ dịch là yêu cầu rất quan trọng, cấp thiết để có biện pháp phòng dịch hiệu quả nhất. Tình hình dịch bệnh ở Lâm Bình đang diễn biến rất phức tạp, ngành Y tế phải tiến hành xét nghiệm nhanh nhất để công bố cấp độ dịch, áp dụng biện pháp chống dịch tốt nhất. Lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố phải tập trung cao độ để ngăn chặn, khống chế nhanh nhất, gọn nhất, không để dịch lan rộng ra địa bàn. Ngành Y tế phải đánh giá cấp độ dịch tới từng xã, thị trấn để triển khai các giải pháp chống dịch phù hợp; công bố cấp độ dịch hàng tuần. Đồng thời, khẩn trương rà soát, truy vết, cách ly, xét nghiệm để xác định rõ nguồn lây.
Đối với các ca F0 diễn biến nặng đưa về tuyến trên để điều trị; thành lập ngay bệnh viện dã chiến tại huyện Lâm Bình. Các địa phương không được giấu dịch; nâng cao năng lực xét nghiệm cho các cơ sơ y tế. Ngành Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông phối hợp với các huyện, thành phố cung cấp mã QR cho người dân. Lãnh đạo các huyện, thành phố tiến hành rà soát, củng cố hoạt động tổ Covid cộng đồng, không thể lơ là, chủ quan trong công tác phòng dịch. Các địa phương, ngành Y tế tập trung cao độ tiêm vắc xin phòng Covid cho người dân, nhất là tiêm cho trẻ em theo quy định, không thể chậm trễ nhiệm vụ này.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, đối với các huyện có nguy cơ thấp cách ly tại huyện, các huyện nguy cơ cao cách ly tại xã. Hiện nay, y tế tuyến cơ sở còn rất yếu, ngành Y tế phải đề xuất nhiệm vụ cụ thể cho y tế cơ sở; tất cả các huyện phải có trạm y tế lưu động để ứng phó với mọi tình huống. Ngành Y tế phải tham mưu xây dựng kế hoạch tăng cường năng lực tuyến y tế cơ sở trong thời gian tới. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phải xem xét việc thực hiện các quy định chống dịch tại các khu, cụm công nghiệp, không để dịch lây lan, bảo đảm ổn định sản xuất. Các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền trên tinh thần quyết tâm chính trị cao, quyết liệt dập dịch của tỉnh, các địa phương để nhân dân bình tâm không hoang mang, lo lắng.
Gửi phản hồi
In bài viết