Tập trung chăm sóc lúa xuân

- Tính đến cuối tháng 2, toàn tỉnh gieo cấy trên 18.765 ha, đạt gần 100% kế hoạch. Người dân gieo trồng chủ yếu các giống lúa: Tạp giao 1, Nhị ưu 838, Hoa ưu số 2, Thái Xuyên 111, GS 9, KM18, HT 1... Tạo môi trường tốt cho cây lúa hồi xanh, đẻ nhánh, bà con nông dân ở khắp các địa phương đang tập trung chăm sóc, làm cỏ, bón thúc đợt 1.


Bà con nông dân xã Nhân Mục (Hàm Yên) sử dụng phân bón dúi sâu bón thúc cho lúa non.    

Trên nhiều cánh đồng, lúa xuân đang bước vào thời kỳ hồi xanh, đẻ nhánh. Ông Vũ Văn Xuân, thôn 4, xã Trung Môn (Yên Sơn) cho biết, lúa xuân đã bén rễ, hồi xanh. Để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt nhất, ông Xuân thực hiện bón thúc bằng phân nén dúi sâu, dặm, tỉa lại những khoảnh bị mất, đồng thời be lại bờ giữ ổn định mặt nước. Tuy nhiên, ông Xuân lo ngại sâu, bệnh hại phát sinh sớm, đặc biệt là chuột, ốc bươu vàng. Hiện tại, ông và các hộ có cùng chân ruộng có biện pháp diệt trừ bằng phương pháp thủ công kết hợp phun thuốc.

Trên địa bàn các xã Nhân Mục, Bằng Cốc (Hàm Yên), bà con nông dân cũng đang tập trung nhân lực để chăm sóc lúa xuân mới cấy. Ông Lương Văn Hải, thôn Kai Con, xã Nhân Mục phấn khởi cho biết, thời điểm này, thời tiết ấm lên nên lúa bén rễ, hồi xanh rất nhanh, những thửa ruộng cấy trước Tết Nguyên đán bắt đầu đẻ nhánh rộ. Để cây lúa phát triển tốt và tăng sức đề kháng, chống chịu sâu, bệnh hại, gia đình ông tập trung làm cỏ, bón thúc phân tổng hợp đợt 1 cho lúa.

Báo cáo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời tiết ấm dần, độ ẩm không khí cao là điều kiện lý tưởng để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt. Đến hết tháng 2, sẽ có gần 10.000 ha lúa xuân đã được chăm sóc, làm cỏ bón thúc đợt 1. Ghi nhận ban đầu lúa phát triển tốt, đẻ nhánh mạnh.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định, nhiệt độ cao, độ ẩm lớn rất thuận lợi cho cây lúa phát triển, song cũng thuận lợi cho sâu, bệnh hại phát sinh sớm, lan rộng và diễn biến phức tạp. Kết quả điều tra trên các cánh đồng đã phát hiện rày trắng nhỏ, rày xanh đuôi đen gây hại rải rác, nơi cao 4 - 6 con; bệnh nấm mốc, thối nhũn, chuột, ốc bươu vàng, bệnh nghẹt rễ. Riêng đối với ốc bươu vàng đã phát sinh diện tích nhiễm nhẹ 4,5 ha tại huyện Hàm Yên, điều đáng ngại là trứng ống đã phát tán trên diện rộng ở nhiều cánh đồng.

Bà con nông dân xã Trung Môn (Yên Sơn) sử dụng ni lông để phòng tránh chuột cắn lúa.

Dự báo từ cuối tháng 2 đến tháng 3, trên diện tích lúa non, lúa đẻ nhánh và cuối đẻ nhánh sẽ xuất hiện rầy, ruồi, chuột gây hại rải rác, tỷ lệ hại nơi cao 2-4% số dảnh. Ngoài ra sẽ còn các đối tượng sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy cám, ruồi hại nõn, sâu đục thân và bệnh đạo ôn lá.  Bệnh phát sinh, gây hại trên các giống dễ nhiễm bệnh, ruộng bón thừa đạm, khi gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi. Sâu, bệnh hại xuất hiện sớm cộng với nguy cơ thiếu nguồn nước tưới dưỡng cục bộ tại một số địa phương trong giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa tiền giai đoạn đứng cái, làm đòng.

Trước thực tế đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo, tại các chân ruộng cao, khó khăn về nguồn nước tưới, bà con thực hiện chuyển đổi sang trồng rau, cây màu như ngô, đậu đỗ, lạc để tăng hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Riêng đối với diện tích lúa đang hồi xanh, đẻ nhánh rộ, các địa phương, bà con nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp giữ nước đều mặt ruộng, bón thúc tập trung khi lúa ra rễ trắng và bắn lá non, bón đủ, cân đối NPK theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, theo dõi chặt chẽ diễn biến các ổ sâu, bệnh hại sớm có biện pháp phòng trừ hiệu quả, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt nhất đảm bảo cho một vụ mùa bội thu.

  Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục